NÓI THẲNG: Phải trừng phạt "con bệnh" SIM rác, cuộc gọi rác
"Thủ phạm" nuôi dưỡng vấn nạn cuộc gọi – tin nhắn xấu và độc hại không ai khác ngoài các nhà mạng di động.
Phải nhìn nhận rằng chưa bao giờ nhà chức trách - ở đây, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, lại quyết liệt và ra quân tổng lực trong cuộc chiến chống SIM rác nhằm giảm thiểu các tin nhắn – cuộc gọi xấu (rác, quảng cáo) và độc hại (mạo danh, lừa đảo).
Thế nhưng, vấn nạn này chỉ thuyên giảm phần nào và vẫn tiếp diễn làm phiền người dân.
Ngày chủ nhật 18-6-2023, chúng tôi liên tục nhận được những cuộc gọi từ số 0819744073 mạo danh Công an quận 5 (TP HCM) để lừa đảo về hồ sơ vụ án. Mới nhất, ngày 6-7-2023, chúng tôi nhận cuộc gọi từ số 0817142685 mạo danh Bộ Thông tin và Truyền thông dọa khóa số thuê bao trong vòng 2 giờ tới.
Nhiều người than phiền là mình bị quấy rầy nhiều nhất từ các cuộc gọi điện thoại quảng cáo, chào hàng. Những nhân viên bán hàng qua điện thoại này thường canh lúc người ta nghỉ trưa hay buổi tối để gọi.
Điều đáng nói là, vào thời điểm tháng 6, tháng 7-2023, vấn nạn tin nhắn – cuộc gọi nhẹ thì quảng cáo, nghiêm trọng thì mạo danh – lừa đảo không phải chỉ khiến cho người dân cảm thấy bị phiền nhiễu hay bị đe dọa nguy hiểm, mà hiện trở nên bất bình, phẫn nộ. Bởi chúng vẫn tồn tại cho dù cả nước mới vừa tiến hành cuộc tổng truy quét thu hồi cả triệu SIM không đăng ký chính chủ, đồng thời đang diễn ra cuộc tổng thanh tra đồng loạt của cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương.
Thậm chí, bọn tội phạm còn sử dụng các số thuê bao của những nhà mạng –là số điện thoại có đăng ký chính chủ - để thực hiện các cuộc gọi phạm pháp.
Vậy, ai đang dung túng cho tình trạng này?
Nói thẳng, "thủ phạm" nuôi dưỡng vấn nạn cuộc gọi – tin nhắn xấu và độc hại vẫn luôn ở các nhà mạng di động. Họ từng có thời chạy đua phát triển thuê bao vô tội vạ để lại vô số SIM rác. Sau cao điểm giành thị phần, giờ với lý lẽ tăng trưởng doanh số, nhà mạng vẫn để xảy ra vấn nạn SIM rác và các cuộc gọi xấu hay độc hại.
Cho dù, các nhà phân phối và đại lý bán lẻ có là người trực tiếp vi phạm thì tất cả cũng quy về trách nhiệm quản lý của nhà mạng. Bất luận thế nào, các hành vi xấu và độc hại, thậm chí cả thủ đoạn dùng trạm BTS giả, cũng đều xảy ra trên các dịch vụ và cơ sở hạ tầng của nhà mạng, do nhà mạng quản lý và vận hành.
Riêng đối với các cuộc gọi – tin nhắn quảng cáo, pháp luật không cấm việc quảng cáo, bán hàng qua điện thoại. Nhưng pháp luật đã có những quy định cụ thể về hoạt động này để tránh bị lạm dụng, gây phiền nhiễu cho người dân. Vấn đề là các doanh nghiệp viễn thông cần phải có các biện pháp quản lý, kiểm soát nhân viên tiếp thị của mình.
Không chỉ có cơ quan chức năng mà chính người dùng điện thoại cũng phải tham gia cuộc chiến chống tin nhắn – cuộc gọi xấu. Biện pháp được "khuyên dùng" nhiều nhất là chịu khó một chút để thông báo cho nhà chức trách qua các tổng đài.
Bệnh quỷ cần có thuốc tiên. Bọn tội phạm tiến hành các cuộc gọi và nhắn tin nguy hiểm cũng như những người quảng cáo qua điện thoại quả thật đã bị lờn thuốc. Vì thế, nhà chức trách cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay và nghiêm khắc hơn.
Bên cạnh các giải pháp công nghệ và quản lý, cơ quan chức năng cần phải vận dụng pháp luật để xử lý nghiêm từng vụ vi phạm một. Đã đến lúc phải trừng phạt đích đáng và làm gương chứ không chỉ vận động, thuyết phục.
Hành lang pháp lý để trị vấn nạn tin nhắn – cuộc gọi xấu và độc hại đã có đầy đủ, vấn đề là lực lượng thực thi hành động ra sao?
Cuối cùng, ai cũng rõ: chừng nào cơ quan chức năng và các nhà mạng chưa thật sự quyết liệt cùng nhau "song kiếm hợp bích" thì vấn nạn tin nhắn – cuộc gọi xấu và độc hại vẫn như "đầu Phạm Nhan", chặt cái này lại mọc ngay cái khác.
Theo Phạm Hồng Phước
Người lao động