A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân Mỹ vỡ mộng mua thêm một ngôi nhà để 'giữ tiền'

Cuối mùa hè, người dân Mỹ thường có mong muốn mua một ngôi nhà để nghỉ dưỡng. Nhưng khi lãi suất thế chấp leo thang và thị trường bất động sản hạ nhiệt, các cố vấn tài chính lại cho rằng người mua nên cân nhắc về những chi phí phát sinh và vấn đề bất ngờ xảy ra với căn nhà ven biển đó.

 

Người dân Mỹ vỡ mộng mua thêm một ngôi nhà để 'giữ tiền'

Danielle Hale - chuyên gia kinh tế trưởng của Realtor.com, cho biết nhu cầu mua nhà nghỉ dưỡng ở Mỹ thường ở mức cao từ đầu mùa thu cho đến đầu năm mới. Theo Brit Crezee - chuyên gia khác của Realtor, ví dụ, ở khu vực Lake Tahoe, tháng 8 và tháng 9 thường là thời điểm “bận rộn” nhất trong năm, vì người mua muốn có một kỳ nghỉ đông trong ngôi nhà mới và người bán tìm cách “né” việc bảo trì nhà trong mùa đông.

Giá nhà tăng vọt trong thời kỳ đại dịch ở các thị trường mua bán nhà thứ cấp như Phoenix, Naples, Florida, Myrtle Beach, South Carolina và Las Vegas, thậm chí còn cao hơn các khu vực còn lại ở Mỹ. Theo dữ liệu mới nhất từ Redfin, giá một ngôi nhà "second home" (ngôi nhà thứ hai, dùng để nghỉ dưỡng) thông thường là 516.423 USD vào tháng 4, tăng 19,9% so với 1 năm trước.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế lại cho rằng cơn sốt mua bán nhà gần biển dường như sắp kết thúc. Daryl Fairweather - nhà kinh tế trưởng tại Redfin, cho biết doanh số bán second home đang giảm so với sự bùng nổ hồi năm ngoái, lần đầu tiên giảm xuống mức trước đại dịch sau 2 năm, một phần do giá cao và lãi suất thế chấp tăng.

Nhiều người Mỹ vẫn cho rằng second home là nơi lưu giữ kỷ niệm gia đình, tài sản, lãi cho thuê và ưu đãi thuế nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm bắt được những rủi ro như khó tìm người thuê, tranh chấp tài sản trong gia đình và những chi phí bất ngờ.

Dưới đây là 4 rủi ro lớn nhất mà người Mỹ phải đối mặt khi mua nhà nghỉ dưỡng:

Phụ thuộc vào thu nhập khi cho thuê nhà

Tim Bauer - nhà hoạch định kế hoạch tài chính, cho biết, anh đã nhanh chóng học cách chuẩn bị cho những rủi ro bất ngờ sau khi mua một cabin trượt tuyết ở Red Lodge (Montana). Anh dự định sẽ cho thuê khi không sử dụng để bù cho các khoản chi phí.

Dù 2021 là một năm thuận lợi với dịch vụ cho thuê nhà nhờ nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch và xu hướng làm việc từ xa, nhưng năm nay một trận lụt lớn đã xảy ra, khiến gần như toàn bộ lịch đặt phòng ở cabin bị huỷ trong tháng 6 và 7.

Bauer đã mất khoảng 20% doanh thu khi cabin 2 phòng ngủ này có giá thuê trung bình khoảng 215 USD/đêm. Anh nói: “Điều quan trọng là phải có một khoản tiền mặt dự phòng để ứng phó với những thời điểm không có hoặc ít khách và các sự kiện bất ngờ khiến nhu cầu giảm hay thậm chí hoàn toàn biến mất.”

Bauer có một khoản tiền riêng cho cabin để dự phòng cho các khoản chi phí trong khoảng 3-4 tháng.

Ngoài ra, việc phụ thuộc vào tiền cho thuê nhà để chi trả thanh toán thế chấp và các chi phí khác cũng có thể gây rủi ro vì quy định ở mỗi địa phương có thể thay đổi. Darin Eppich - công ty giao dịch bất động sản ở LA, gần đây có 1 khách hàng huỷ hợp đồng mua nhà ở Palm Desert (California) khi anh biết thành phố này có quy định nghiêm ngặt về hoạt động cho thuê nhà ngắn hạn.

Second home có thể là nguyên nhân gây mâu thuẫn trong gia đình

Nhiều chủ nhà muốn tài sản được truyền qua nhiều thế hệ. Họ cũng muốn lưu giữ hình ảnh người thân quây quần bên nhau tại ngôi nhà nghỉ dưỡng sau khi các bậc phụ huynh qua đời.

Tuy nhiên, không phải thành viên nào cũng có quan điểm tương tự và một số có thể không quan tâm đến việc giữ tài sản, theo Pam Lucina - giám đốc uỷ thác của Northern Trust Wealth Management.

Lucina có nhiều khách hàng chứng kiến cảnh các thành viên tranh luận về việc chia sẻ chi phí và ai sẽ được ở trong ngôi nhà đó trong những kỳ nghỉ. Bà nói: “Điều này trở thành nguồn cơn gây xung đột.”

Thường xuyên phải đối mặt với “chi phí ẩn”

Jeff Barens và vợ đã sở hữu vài ngôi nhà nghỉ dưỡng trong 10 năm qua. Họ đã mua một ngôi nhà cho thuê ở Jackson Hole (Wyoming) vào mùa hè năm ngoái. Vài ngày trước khi “chốt” thoả thuận, họ cần phải trả bảo hiểm hoả hoạn và cần phải tu sửa lại ngôi nhà với chi phí đắt đỏ, bao gồm thay mái nhà và sửa khu vực xung quanh.

Người dân Mỹ vỡ mộng mua thêm một ngôi nhà để giữ tiền - Ảnh 1.

Ngôi nhà nghỉ dưỡng của vợ chồng Barens.

Người dân Mỹ vỡ mộng mua thêm một ngôi nhà để giữ tiền - Ảnh 2.
 
Người dân Mỹ vỡ mộng mua thêm một ngôi nhà để giữ tiền - Ảnh 3.
 

Barens chia sẻ: “Chính những thứ mà bạn không ngờ tới lại có thể rất tốn kém.”

Jamie Lane - phó chủ tịch nghiên cứu công ty cho thuê nhà nghỉ dưỡng AirDNA, thường khuyên khách hàng nên dành từ 5-10% doanh thu thuê nhà hàng năm cho các chi phí bất ngờ, có thể bao gồm hỏng đường ống nước hay thay mái nhà.

Lợi nhuận đầu tư không được đảm bảo

Karen Altfest - nhà hoạch định tài chính ở New York, khuyến nghị khách hàng không nên chi quá 15% giá trị tài sản ròng cho một bất động sản nghỉ dưỡng để giúp họ giảm căng thẳng về tài chính.

Sam Dogen - nhà sáng lập trang web Financial Samurai, cho biết người mua cần hiểu rằng bất động sản của họ có thể không được định giá cao như mong đợi, đặc biệt là trong môi trường hiện tại.

Dogen đã mua một căn hộ 2 phòng ngủ ở Lake Tahoe với giá khoảng 715.000 USD vào năm 2007. Mức giá từng được chào bán là 810.000 USD, nên ông cho rằng mình đang “lãi to”. Tuy nhiên, bất động sản này cuối cùng lại trượt giá mạnh, thấp hơn 40% trong vài năm sau do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.

Hiện tại, ngôi nhà này vẫn có giá thấp hơn so với thời điểm ông mua vào.

Tham khảo WSJ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội