A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ hé lộ số quân định triển khai ứng phó leo thang Nga-Ukraina

Theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden, Lầu Năm Góc đang đặt khoảng 8.500 binh sĩ Mỹ trong tình trạng sẵn sàng triển khai tới Châu Âu nếu căng thẳng Nga-Ukraina leo thang.

AP dẫn lời Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết hôm 24.1 rằng chưa có quyết định cuối cùng nào về việc triển khai. Việc triển khai sẽ chỉ được thực hiện nếu NATO quyết định kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh "hoặc nếu phát sinh các tình huống khác" liên quan đến căng thẳng biên giới Nga-Ukraina.

Ông Kirby nhấn mạnh, đây là sự trấn an của Mỹ đối với các đồng minh NATO, đồng thời nói thêm rằng không có quân đội nào được dự định triển khai tới Ukraina. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã báo cáo với Tổng thống Joe Biden rằng có tới 8.500 binh sĩ được lệnh chuẩn bị để sẵn sàng triển khai tới Châu Âu trước những dấu hiệu cho thấy Nga không giảm leo thang áp lực quân sự đối với Ukraina.

Về phần mình, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Chúng tôi luôn nói sẽ củng cố các đồng minh của mình ở sườn phía đông. Cuối ngày 24.1, Tổng thống Joe Biden có cuộc họp trực tuyến với một số nhà lãnh đạo Châu Âu để bàn các phản ứng tiềm năng trong trường hợp Nga có hành động quân sự ở Ukraina".

Động thái của Lầu Năm Góc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây do lo ngại rằng Mátxcơva đang lên kế hoạch tấn công Kiev. NATO đã lập kế hoạch triển khai tàu và binh lính, Anh tuyên bố sẽ rút một số nhà ngoại giao khỏi Kiev và Ireland chỉ trích Nga tập trận ở ngoài khơi quần đảo này.

Nga được cho là đã điều khoảng 100.000 quân đến gần biên giới Ukraina, yêu cầu NATO cam kết sẽ không bao giờ kết nạp Ukraina tham gia và hạn chế đóng quân tại các nước thuộc Liên Xô cũ. NATO bác bỏ các yêu cầu này.

Nga phủ nhận đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công, tuyên bố rằng những cáo buộc của phương Tây chỉ là vỏ bọc cho những hành động khiêu khích đã được lên kế hoạch của NATO.

Binh sĩ Mỹ. Ảnh: AP

Binh sĩ Mỹ. Ảnh: AP

Ngày 24.1, NATO cho biết đang tăng cường “khả năng răn đe” ở khu vực Biển Baltic. Đan Mạch đang điều một tàu khu trục nhỏ và triển khai máy bay chiến đấu F-16 đến Lithuania; Tây Ban Nha phái 4 máy bay chiến đấu đến Bulgaria và 3 tàu tới Biển Đen để gia nhập lực lượng hải quân NATO; và Pháp sẵn sàng gửi quân đến Romania. Hà Lan cũng có kế hoạch điều hai máy bay chiến đấu F-35 đến Bulgaria từ tháng Tư.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết NATO sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tất cả đồng minh. Chúng tôi sẽ luôn ứng phó với bất kỳ sự xấu đi nào của môi trường an ninh, bao gồm cả việc tăng cường khả năng phòng thủ tập thể".

Tại Mátxcơva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov  cáo buộc NATO và Mỹ đứng sau những căng thẳng leo thang chứ không phải Nga.

“Tất cả những điều này đang xảy ra không phải vì những gì chúng tôi, Nga, đang làm. Điều này đang xảy ra vì những gì NATO, Mỹ đang làm” - ông Peskov nói với các phóng viên.

Thông báo của NATO được đưa ra trong bối cảnh các ngoại trưởng Liên minh Châu Âu đang tìm cách thể hiện sự thống nhất mới mẻ để ủng hộ Ukraina. Trong một tuyên bố, các bộ trưởng cho hay EU đã tăng cường chuẩn bị trừng phạt và cảnh báo rằng "bất kỳ hành động quân sự nào của Nga đối với Ukraina sẽ gây ra hậu quả lớn".

Ngoài ra, EU cũng cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính cho Ukraina, cam kết thúc đẩy thông qua một gói đặc biệt trị giá 1,2 tỉ euro (1,4 tỉ USD), gồm các khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại trong thời gian sớm nhất có thể.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 21.1 và cho biết Mỹ sẽ trả lời Nga bằng văn bản đối với các đề xuất của Mátxcơva trong tuần này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội