A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ điều chỉnh chiến lược hạt nhân

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3 năm nay đã phê chuẩn chiến lược hạt nhân mới của nước Mỹ.

 
Minh họa/INT
Minh họa/INT
 

Triều Tiên, Trung Quốc đã rất nhanh chóng thể hiện thái độ và phản ứng sau khi báo chí đưa tin và quan chức trong chính quyền Mỹ xác thực việc Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3 năm nay đã phê chuẩn chiến lược hạt nhân mới của nước Mỹ.

Dạng chiến lược hạt nhân này là tài liệu mật ở Mỹ và được sửa đổi hoặc soạn thảo lại bốn năm một lần. Triều Tiên đã thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ. Còn Trung Quốc thì bày tỏ quan ngại sâu sắc.

Phản ứng trên của hai nước này có cơ sở xác đáng của nó bởi chiến lược hạt nhân mới của Mỹ bao hàm sự điều chỉnh rất cơ bản định hướng chiến lược trên lĩnh vực này, nhằm trực tiếp vào Trung Quốc và Triều Tiên. So với trước, chiến lược hạt nhân mới này của Mỹ có 3 điều chỉnh.

Thứ nhất là sự dịch chuyển trọng tâm từ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân hiện tại sang vừa tiếp tục hiện đại hóa, vừa tăng số lượng và phát triển vũ khí hạt nhân mới. Qua đó có thể thấy phía Mỹ đã xác định từ bỏ hoàn toàn mọi hình thức và mức độ giải trừ, kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương với Nga, chuyển sang tăng cường vũ trang hạt nhân.

Thứ hai, lần đầu tiên Mỹ đề cập trực tiếp và cụ thể trong chiến lược hạt nhân tới thách thức chính trị an ninh đối với Mỹ từ tiềm lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Trước đây, chiến lược hạt nhân của Mỹ nhằm đối phó Nga là chính.

Cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Nga hiện có hơn 4.000 đầu đạn hạt nhân và Trung Quốc có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân. Trong khi cho rằng Nga không theo đuổi chủ ý tăng thêm số lượng đầu đạn hạt nhân trong thời gian tới, cơ quan tình báo Mỹ dự đoán Trung Quốc cho đến năm 2030 sẽ có trên 1.000 đầu đạn hạt nhân và cứ thế dần thách thức Mỹ về an ninh thông qua tiềm lực vũ khí hạt nhân không kém gì Nga.

Với chiến lược hạt nhân mới này, Mỹ lần đầu tiên xác định cụ thể mục tiêu và dành ưu tiên chiến lược thuộc diện cao nhất cho việc đối phó thách thức an ninh từ tiềm lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Thứ ba, chiến lược hạt nhân mới của Mỹ lần đầu tiên đề cập đến kịch bản Nga, Trung Quốc và Triều Tiên phối hợp hành động trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân và nêu bật sự cần thiết cũng như cấp thiết của việc Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó kịch bản này.

Mỹ nhìn nhận cần phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó kịch bản này vì mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc và Triều Tiên hiện tốt đẹp, gắn bó và tin cậy lẫn nhau hơn bao giờ hết cũng như Trung Quốc vẫn là đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Triều Tiên.

Nói theo cách khác, Mỹ cho rằng không thể loại trừ kịch bản ba nước trên phối hợp hành động trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Mỹ cho rằng, việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó này là cấp thiết vì cả Nga lẫn Triều Tiên đều đã tuyên bố sẵn sàng sử dụng đến cả vũ khí hạt nhân của họ để đảm bảo an ninh và thực hiện các lợi ích chiến lược liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine đối với Nga và liên quan đến căng thẳng giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á đối với Triều Tiên.

Những điều chỉnh định hướng chiến lược hạt nhân này của Mỹ làm quan hệ của Mỹ với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên thêm trắc trở cũng như thúc đẩy nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân trên thế giới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội