A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở rộng thị trường, đón mùa cao điểm khách quốc tế

Tính chung 7 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính gần 6,6 triệu lượt, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước và phục hồi bằng 67,5% so với cùng kỳ 2019 - trước COVID-19.

Mở rộng thị trường, đón mùa cao điểm khách quốc tế

Đoàn khách quốc tế tham quan miền Tây. Ảnh: Bảo Thu

Thị trường quốc tế tiếp tục tăng trưởng

Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất trong 7 tháng đầu năm với 1,88 triệu lượt, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế. Trung Quốc đứng thứ 2 với 738.000 lượt, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 415.000 lượt và Nhật Bản với 284.000 lượt.

Tháng 7 là tháng đầu tiên trong năm 2023 Việt Nam đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, tiếp tục đà tăng trưởng. Xét về động lực tăng trưởng của ngành du lịch trong tháng, thị trường châu Âu có tốc độ tăng trưởng tốt nhất, nổi bật là Na Uy (+250,8%), Bỉ (+154%), Đan Mạch (+152%), Hà Lan (+44,6%) và Tây Ban Nha (+52,9%).

Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực là các thị trường gửi khách hàng đầu như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Australia đều tăng so với tháng 6.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tổng số hơn 6,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 5,8 triệu lượt, chiếm 87,6% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 7 lần cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy hoạt động hàng không đang tiếp tục đà phục hồi.

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2023 một số thị trường như: Thái Lan, Indonesia, Australia tăng trưởng 10-30% so với cùng kỳ năm 2019, thị trường Nhật Bản hồi phục xấp xỉ cùng kỳ 2019. Một số thị trường khác như Đông Nam Á, Trung Đông, châu Âu đang có sự hồi phục nhanh và đặc biệt là Ấn Độ (thị trường mới) có sự phát triển rất nhanh, theo Cục Hàng không Việt Nam.

Mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm

Đối mặt với thị trường biến động lớn hậu COVID-19, các doanh nghiệp lữ hành phải nhanh chóng thích nghi và thay đổi chiến lược kinh doanh, khai thác những sản phẩm đa dạng và đẩy mạnh khai thác các thị trường mới.

Đại diện Vietluxtour cho biết, doanh nghiệp đẩy mạnh loại hình tour du lịch sinh thái đến Đồng bằng sông Cửu Long, đa dạng hoá các tuyến xuyên Việt, tập trung vào đặc trưng văn hoá, ẩm thực và sự độc đáo của điểm đến để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước Đông Nam Á trong các chương trình liên tuyến Đông Dương. Ngoài các thị trường thế mạnh như: châu Âu, Mỹ, đơn vị cũng đẩy mạnh khai thác các thị trường mới như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Australia...

Một số dòng sản phẩm đặc trưng tại TPHCM được phát triển phải kể đến tour “TPHCM - xưa và nay”, tham quan các di tích văn hoá, lịch sử Biệt động Sài Gòn, công trình kiến trúc cổ văn phòng UBND TP, tour ẩm thực thưởng thức món ngon tại các nhà hàng, quán ăn đạt chứng nhận của Michelin Guide, tour Sắc màu đêm thành phố…

Ông Trần Thế Dũng - Tổng Giám đốc Vietluxtour - chia sẻ: “Cùng với các yếu tố về sự ổn định của thị trường, sản phẩm và hiệu ứng từ các chương trình liên kết quảng bá, kích cầu với các ngành hàng không, lưu trú… chúng tôi kỳ vọng sẽ hoàn tất kế hoạch phục hồi trong năm 2023 và bước sang giai đoạn tăng trưởng mới trong năm 2024-2025”.

Bên cạnh những thị trường xa, các doanh nghiệp lữ hành cũng từng bước đẩy mạnh khai thác các thị trường trong khu vực châu Á, đặc biệt trong bối cảnh khách Trung Quốc chưa trở lại ngay do những thay đổi về thói quen chi tiêu và du lịch hậu COVID-19.

Hiện tại thị trường Ấn Độ được đánh giá là “mỏ vàng” tiềm năng cho ngành du lịch Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định trong một báo cáo gần đây rằng Ấn Độ có thể trở thành “Trung Quốc tiếp theo” thống trị thị trường du lịch quốc tế.

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, Ấn Độ xếp thứ 9 trong 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam, với 137.900 lượt khách trong năm 2022. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đánh giá, khách du lịch Ấn Độ được coi là đối tượng khách hàng tiềm năng nhưng không dễ khai thác.

Theo đó, ngành du lịch cả nước cần sẵn sàng tổ chức đội ngũ nhân lực du lịch hiểu về văn hoá, thói quen sinh hoạt của người Ấn Độ cũng như ẩm thực. Thực tế, hiện nay đội ngũ hướng dẫn có kinh nghiệm phục vụ khách Ấn Độ tại Việt Nam chưa nhiều, các địa điểm kinh doanh phục vụ ẩm thực Ấn cũng còn khá hiếm hoi.

Chỉ sau 7 tháng, ngành du lịch đã đạt 83% kế hoạch cả năm về khách quốc tế. Do đó, nếu có thể tận dụng tối đa nguồn lực, các sự kiện kích cầu, quảng bá du lịch và thuận lợi từ chính sách nhập cảnh mới dành cho khách quốc tế, ngành du lịch hoàn toàn có khả năng vượt chỉ tiêu và đón tới 10 triệu lượt khách vào cuối năm nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội