A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lý do Indonesia dời đô khỏi Jakarta

Tổng thống Indonesia đặt tên cho thủ đô mới là Nusantara sau khi Quốc hội nước này chấp thuận việc dời đô khỏi Jakarta.

Ngày 18.1, Quốc hội Indonesia thông qua dự luật chuyển thủ đô từ Jakarta đến vùng Kalimantan xa xôi trên đảo Borneo, nơi chính phủ đã sở hữu khoảng 180.000ha đất. Reuters cho hay, Tổng thống Indonesia đặt tên thủ đô mới là Nusantara, có nghĩa là quần đảo.

“Thủ đô mới giữ vai trò trung tâm, là biểu tượng cho bản sắc của quốc gia, đồng thời là trung tâm kinh tế mới” - Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa phát biểu trước Quốc hội sau khi dự luật được thông qua.

Tổng thống Joko Widodo xác nhận rằng, thủ đô mới sẽ được đặt tên là Nusantara vì đó là “biểu tượng quốc tế” do Indonesia thường được gọi là quốc đảo - ông Monoarfa nói thêm.

Theo Bộ trưởng Monoarfa, Tổng thống Widodo đã chọn tên Nusantara trong số 80 cái tên được đệ trình.

Thủ đô Jakarta của Indonesia là nơi sinh sống của khoảng . Ảnh: AFP

Thủ đô Jakarta của Indonesia là nơi sinh sống của khoảng 10 triệu người . Ảnh: AFP

Ông Widodo lần đầu tiên công bố việc dời đô đến Borneo vào năm 2019, với lý do Jakarta - với dân số 10 triệu người - dễ xảy ra lũ lụt, tắc nghẽn và động đất. Dự án sau đó bị trì hoãn do đại dịch.

Tổng thống tuyên bố rằng, chi phí di chuyển trung tâm hành chính sẽ tốn khoảng 33 tỉ USD, trong đó nhà nước sẽ tài trợ 19%, phần còn lại đến từ các quan hệ đối tác công tư và đầu tư tư nhân. Chi phí bao gồm các văn phòng chính phủ mới và nhà ở cho khoảng 1,5 triệu công chức dân sự.

Địa điểm của thủ đô mới, cách thủ đô Jakarta 2.000km về phía đông bắc, là một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên thường xuyên xảy ra trên quần đảo 17.000 hòn đảo.

Ngoài ra, còn có các lý do kinh tế và chính trị để chuyển thủ đô khỏi Jakarta, theo ông Widodo.

Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường lo ngại động thái này sẽ đẩy nhanh việc tàn phá các khu rừng là nơi sinh sống của đười ươi, gấu chó và khỉ mũi dài, cũng như gia tăng ô nhiễm do hoạt động khai thác than và sản xuất dầu cọ.

Jasmine Puteri, nhà vận động rừng cấp cao của tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh), cho biết: “Động thái này sẽ có tác động đến môi trường. Jakarta đã phải chịu quá nhiều thất bại do ô nhiễm, khủng hoảng nước và lũ lụt. Chúng tôi không muốn những vấn đề này xảy ra ở thủ đô mới”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội