A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lầu Năm Góc: Ukraine vẫn không có đủ vũ khí để ''sánh ngang'' với Nga

Lầu Năm Góc nhận định: Ukraine vẫn đang thiếu khí tài quân sự để thực hiện các cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ của Nga và ngược lại.

Theo kết luận mới nhất từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ (DIA), Ukraine hiện vẫn không có đủ vũ khí để sánh ngang với khả năng bắn khoảng 10.000 viên đạn pháo mỗi ngày của Nga, ngay cả sau khi Mỹ bổ sung thêm viện trợ cho quốc gia này. DIA đánh giá, lực lượng Ukraine vẫn có khả năng thực hiện các hoạt động phòng thủ, nhưng sẽ không thể tiến hành các cuộc phản công quy mô lớn trong vòng ít nhất 6 tháng.

Lầu Năm Góc: Ukraine vẫn không có đủ vũ khí để ''sánh ngang'' với Nga
Một binh sỹ Ukraine đang thử nghiệm tên lửa do Mỹ viện trợ. (Nguồn ảnh: Anatoli Stepanov)

Mặt khác, DIA cho rằng Nga đã áp dụng thành công chiến lược “vắt kiệt sức” Ukraine và có thể duy trì vùng đệm mà quân đội nước này đã chiếm được, nhưng cũng không có đủ sức mạnh “để tiến sâu hơn vào lãnh thổ do Ukraine nắm giữ, ví dụ như thành phố Kharkiv.”

Được biết, kết luận của DIA nằm trong báo cáo hàng quý mới nhất về hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine do tổng thanh tra Lầu Năm Góc Robert Storch ban hành. Kết luận trên cũng có nhiều điểm tương đồng với những tuyên bố trước đây từ các quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, cho rằng chiến sự Nga - Ukraine sắp đi vào thế bế tắc.

Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc tổng hợp các thông tin từ tháng 4 đến cuối tháng 6 năm nay, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ mới nhất trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Kể từ đó, Ukraine đã bất ngờ tiến hành một cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga và bắt đầu triển khai các máy bay chiến đấu F-16 do đồng minh cung cấp.

Báo cáo trên cũng kể tên một số thành công của Ukraine trong việc sử dụng Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội (ATACMS) do Mỹ cung cấp, không tính các cuộc tấn công trước đây vào các khu vực kho đạn dược và các trực thăng của Nga.

Một ví dụ tiêu biểu là cuộc tấn công bằng ATACMS vào ngày 18 tháng 5 của Ukraine tại Sevastopol, qua đó đã đánh chìm một tàu hộ tống của Nga. Ukraine sau đó cũng đã sử dụng ATACMS để tấn công hệ thống phòng không của Nga ở bán đảo Crimea, phá hủy một số tên lửa tiên tiến S-400.

Theo DIA, các cuộc tấn công của Ukraine đã buộc lực lượng Nga phải tăng cường hệ thống phòng không tại bán đảo Crimea bằng hệ thống tên lửa tiên tiến nhất là S-500, để có thể bảo vệ các căn cứ quan trọng như Cầu eo biển Kerch. Cơ quan này nhận định: “Hệ thống S-500 vẫn chưa được chứng minh là có thể hoạt động hiệu quả ở Ukraine, đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang gặp khó khăn trong việc cung cấp khả năng phòng không đầy đủ cho Crimea”.

 

Tác giả: Phú Quý (theo Bloomberg)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội