A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không học sinh nào bị bỏ rơi

Tùy theo tình hình số ca nhiễm F0 của giáo viên và học sinh, các trường THPT sẽ linh hoạt chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến để duy trì dạy – học trong điều kiện bình thường mới.

Với riêng khối lớp 12, các trường đều ưu tiên bố trí giáo viên đứng lớp trực tiếp theo phương châm học đến đâu, ôn tập đến đấy để bảo đảm chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Duy trì lớp trực tuyến với thời khóa biểu ổn định như một lớp học trực tiếp là cách mà các trường THPT ở nhiều địa phương đã thực hiện kể từ khi học sinh trở lại trường học cho đến nay. Với cách làm này, học sinh không bị phụ thuộc vào giờ giấc của giáo viên, chất lượng tiết học cũng được đảm bảo. Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) xây dựng 3 nhóm, trong đó có nhóm giữa học sinh và giáo viên bộ môn các lớp trực tuyến để học sinh là F0, F1 chủ động vào các lớp mà không cần giáo viên chủ nhiệm báo với giáo viên phụ trách lớp như trước kia.

Trong điều kiện số giáo viên là F0, F1 tăng mỗi ngày, các trường THPT đều ưu tiên bố trí giáo viên dạy thay để khối lớp 12 vẫn duy trì dạy học trực tiếp ở mức cao nhất. Như Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã xây dựng lại thời khóa biểu khi giáo viên dạy môn Giáo dục công dân là F0. Với 15 lớp học ở bậc THPT, nhà trường chỉ có một giáo viên đảm nhận dạy bộ môn này. Vì vậy, khi không thể bố trí giáo viên dạy thay, thời khóa biểu của lớp 12 được thiết kế lại, đôn các bộ môn khác lên để không trống tiết.

Dạy học bám sát, dạy đến đâu ôn tập đến đó là cách mà các trường THPT quán triệt đến giáo viên các môn liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn này. Tăng cường chuyển bài tập, tài liệu ôn tập, tranh thủ thời gian vàng dạy – học trực tuyến để rèn kiến thức – kỹ năng cho học sinh. Trong điều kiện không thể chủ động được hình thức dạy học trực tiếp hay trực tuyến do phụ thuộc vào diễn biến thực tế của dịch bệnh, đây là cách để các trường nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Nhiều cán bộ quản lý trường THPT đều cho rằng, một bộ phận học sinh có tâm lý chủ quan với Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới do đã sử dụng kết quả học bạ hoặc các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển sinh. Thế nên, với học sinh giỏi hay học sinh trung bình yếu, giáo viên bộ môn đều phải dạy học bám sát. Dự kiến, các trường sẽ tổ chức kiểm tra giữa kỳ II theo hình thức trực tiếp để vừa đánh giá chất lượng dạy – học, vừa là căn cứ để định hướng nội dung và cách thức ôn tập phù hợp trong giai đoạn còn lại của năm học.

Ngoài củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng, sử dụng các tiết học tự chọn để ôn tập cho học sinh khối 12, trong điều kiện dịch bệnh, các trường học còn phải làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Cô Trần Thị Kim Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) - chia sẻ: “Không tránh khỏi có trường hợp, học sinh giấu thông tin dịch tễ vì sợ mất bài học khi không thể học trực tiếp.

Vì vậy, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh là ưu tiên tối đa trong tổ chức dạy – học, nhất là giai đoạn ôn tập nước rút cho khối lớp 12. Có như vậy, học sinh dù ở trong điều kiện sức khỏe như thế nào cũng yên tâm không bị mất bài”. Ban giám hiệu Trường THPT Đức Phổ 2 (Quảng Ngãi) cũng tính đến phương án chi trả cho giáo viên tiền vượt giờ trong điều kiện duy trì lớp học trực tuyến dành cho những học sinh là F0, F1. Trường đã huy động được một số lượng sim 4G để trang bị cho học sinh không đủ điều kiện tiếp cận việc dạy – học trực tuyến.

Ưu tiên tối đa nguồn lực để đảm bảo chất lượng dạy – học, ôn tập cho khối lớp 12 trong một năm học đặc biệt để học sinh có tâm thế vững chắc khi bước vào phòng thi là điều dễ nhận thấy ở các trường phổ thông hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội