Indonesia: Giá trị giao dịch tiền điện tử có thể tăng gấp 3 lần trong năm nay
Indonesia đã ghi nhận nhiều nhà đầu tư cá nhân vào tài sản tiền điện tử hơn so với thị trường vốn kể từ tháng 5 năm ngoái. Tổng số nhà đầu tư chứng khoán đã đạt 7,35 triệu người tính đến ngày 17/12.
Ảnh minh họa |
Bộ Thương mại Indonesia cho biết giá trị giao dịch tiền điện tử trong nước có thể tăng gấp ba lần lên mức 2,5 triệu tỷ rupiah (180 tỷ USD) trong năm nay do ngày càng có nhiều người biết đến loại tài sản kỹ thuật số này.
Theo Thứ trưởng Thương mại Jerry Sambuaga, giao dịch tiền điện tử sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong năm nay từ mức 859.000 tỷ rupiah vào năm 2021 – thời điểm các giao dịch tiền số tăng 14 lần so với mức 60.000 tỷ rupiah vào năm 2020.
Phát biểu tại một sự kiện do sàn giao dịch tiền số Tokocrypto tổ chức ngày 21/1, ông Jerry cho rằng giao dịch tiến số sẽ tăng mạnh hơn nữa trong năm nay do mọi người ngày càng nhận thức rõ hơn về chuỗi khối (blockchain), tài sản tiền điện tử và các tài sản không thể thay thế (NFT).
Ông Jerry khẳng định rằng thông tin rộng rãi về các tài sản kỹ thuật số là một trong những yếu tố thúc đẩy sự gia tăng đầu tư tiền điện tử. Các yếu tố khác như sự phát triển tiền điện tử và nỗ lực tích cực của các sàn giao dịch cũng đang thúc đẩy thị trường.
Theo Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai (Bappebti) trực thuộc Bộ Thương mại Indonesia, quốc gia này có 11,2 triệu nhà đầu tư tiền điện tử vào năm ngoái, tăng mang so với mức chỉ 4 triệu người vào năm 2020.
Indonesia đã ghi nhận nhiều nhà đầu tư cá nhân vào tài sản tiền điện tử hơn so với thị trường vốn kể từ tháng 5 năm ngoái. Tổng số nhà đầu tư chứng khoán đã đạt 7,35 triệu người tính đến ngày 17/12.
Ông Jerry nhận định: “Ngay cả khi không có sàn giao dịch tài sản tiền điện tử thuộc sở hữu của nhà nước, tốc độ tăng trưởng đã rất mạnh. Nếu có sàn giao dịch này, hệ sinh thái sẽ còn tốt hơn”, đồng thời cho biết thêm rằng sàn giao dịch tiền điện tử quốc gia sẽ được ra mắt trong quý I năm nay.
Ban đầu, Bappebti dự định thành lập sàn giao dịch tiền điện tử vào năm ngoái, cùng với một trung tâm thanh toán bù trừ và một trung tâm lưu ký tiền điện tử, nhằm đảm bảo sự an toàn tài sản cho các nhà đầu tư.
Người đứng đầu bộ phận hướng dẫn và phát triển thị trường thuộc Bappebti, ông Tirta Senjaya cho biết cơ quan này cần huy động thêm khoảng 100 tỷ rupiah để đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu 500 tỷ rupiah trước khi thành lập sàn giao dịch.
Cũng theo ông Tirta, hiện Bappebti đang hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh cho sàn giao dịch tài sản tiền điện tử quốc gia với tư cách là sàn giao dịch tương lai theo Quy định số 8/2021 của Bappebti về các sàn giao dịch tài sản tiền điện tử.
Ông Tirta cho hay Bappebti cần hoàn tất tất cả các yêu cầu trong vòng hai tháng, nếu không việc ra mắt sàn giao dịch sẽ bị trì hoãn. Tính đến tháng 1/2022, Indonesia có 11 nền tảng giao dịch tiền điện tử được Bappebti cấp phép tính đến tháng Giêng. Cơ quan này cũng công nhận 229 loại tiền điện tử là hàng hóa có thể giao dịch hợp pháp./.