A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàn Quốc hướng tới giải quyết bất bình đẳng giáo dục

Cuộc chiến thi cử căng thẳng ở Hàn Quốc được cho là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh giảm. Gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang có những chính sách điều chỉnh kì thi đại học, nhắm tới chấn chỉnh dạy thêm và giải quyết bất bình đẳng giáo dục ở nước này.

Hàn Quốc hướng tới giải quyết bất bình đẳng giáo dục

Học sinh đến trường ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Xinhua

Kì thi đại học ở Hàn Quốc thường gọi là Suneung, được tổ chức vào tháng 11 hàng năm. Các nhà giáo dục và truyền thông thường chỉ trích những câu hỏi hóc búa không có trong chương trình giáo dục công lập và nằm ngoài khả năng giải đáp của hầu hết học sinh.
Yonhap News của Hàn Quốc lấy dẫn chứng một câu hỏi về nghịch lí Triffin - khám phá những xung đột kinh tế giữa lợi ích trong nước ngắn hạn và mục tiêu quốc tế dài hạn ở các quốc gia có đồng tiền dự trữ toàn cầu. Những câu hỏi hóc búa này nhằm tìm ra những thí sinh xuất sắc nhất nhưng Tổng thống Yoon Suk Yeol muốn loại bỏ ra khỏi kì thi.
Ngày 15.6, Tổng thống Yoon Suk Yeol yêu cầu Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Lee Ju Ho rằng: "Những chủ đề không được đề cập trong hệ thống giáo dục công phải bị loại khỏi Suneung". Bốn ngày sau, Chủ tịch Viện Đánh giá và Chương trình giảng dạy Hàn Quốc - tổ chức quản lí Suneung - từ chức.
Nikkei nhận định, mối quan tâm của Tổng thống Yoon Suk Yeol là về cách xử lí những câu hỏi không nằm trong chương trình giáo dục công lập và vai trò của các cơ sở luyện thi trong việc ôn luyện cho học sinh.
"Giới chức giáo dục và ngành luyện thi có thông đồng với nhau không?" - Tổng thống Yoon Suk Yeol đặt câu hỏi.
Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol tin rằng, những câu hỏi dạng này làm tăng sự phụ thuộc vào những trung tâm luyện thi và tăng sự khác biệt trong thành tích học tập do chênh lệch về kinh tế.
Phí học thêm trung bình cho một học sinh trung học ở Hàn Quốc là khoảng 200.000 won (150 USD)/tháng trong gần một thập kỷ tính đến năm 2015, nhưng bắt đầu tăng mạnh vào năm 2016 cho đến khi đạt 460.000 won (350 USD) năm 2022.
Tại Seoul, mức lương trung bình hiện nay là hơn 700.000 won (530 USD) và một số gia sư được cho là có thu nhập hơn 10 tỉ won (7,6 triệu USD) mỗi năm. Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền cho rằng, đây là điều không chấp nhận được và kêu gọi chính phủ thay đổi.
Trước chính sách này, có những ý kiến phản đối. Nhiều gia sư cho hay, học sinh cần trợ giúp trong những câu hỏi phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Ông Lee Jae Myung - người đứng đầu Đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc - cho rằng, động thái này làm xáo trộn hệ thống giáo dục.
Ngày 26.6, Chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy cải cách. Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju Ho cho biết: “Chúng tôi đang điều chỉnh những câu hỏi hóc búa trong các kì thi, vốn dẫn đến cạnh tranh quá mức giữa học sinh và phụ huynh về việc học thêm".
Từ lâu, Suneung đã là đề tài tranh luận. Những năm 2000, có 66 học sinh đạt điểm tuyệt đối ở tất cả các môn học trong vòng 1 năm. Kì thi này bị chỉ trích là quá dễ và nhiều câu hỏi khó hơn đã được thêm vào năm sau, buộc Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Dae Jung phải xin lỗi.
Những năm gần đây, hệ thống thi cử khắc nghiệt được cho là yếu tố góp phần dẫn đến tỉ lệ sinh thấp - một vấn đề mà chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol rất quan tâm. Tuy nhiên, Nikkei cũng lưu ý, câu hỏi hóc búa không phải toàn bộ bức tranh khi những người giàu có vẫn có thể đầu tư vào giáo dục đắt tiền cho con cái họ. Do đó, việc xử lí quanh kì thi Suneung sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản của bất bình đẳng.
“Các trường đại học Hàn Quốc rất khó thi đỗ, nhưng khi đã đỗ thì tốt nghiệp dễ dàng. Để đầu vào dễ và đầu ra khó như ở phương Tây sẽ tốt hơn và giúp học sinh được tận hưởng cuộc sống hơn" - một cựu quan chức Chính phủ Hàn Quốc tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội