A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EU mắc kẹt trong thỏa thuận lịch sử cung cấp đạn dược cho Ukraina

Thỏa thuận lịch sử của EU cung cấp đạn dược cho Ukraina đang bị mắc kẹt trong các chi tiết như ai sẽ cung cấp và ai sẽ bỏ túi lợi nhuận.

EU mắc kẹt trong thỏa thuận lịch sử cung cấp đạn dược cho Ukraina

Binh sĩ Ukraina chuẩn bị đạn dược khai hỏa vào các vị trí tiền tuyến của Nga gần Bakhmut, Donetsk, ngày 11.3.2023. Ảnh: AFP

Tờ Politico ngày 5.4 dẫn lời các nhà ngoại giao tham gia đàm phán cho biết, thỏa thuận “lịch sử” cung cấp đạn dược trị giá 2 tỉ euro (2,14 tỉ USD) cho quân đội Ukraina vẫn đang được thực hiện. Khúc mắc lớn nhất là ai sẽ nhận được tiền.

Theo kế hoạch được công bố vào ngày 20.3, EU sẽ cung cấp 1 triệu quả đạn 155 mm cho Ukraina trong 12 tháng tới. Một gói trị giá 1 tỉ euro được dành để trả cho các thành viên EU - những nước sẽ sử dụng kho dự trữ của chính họ để cung cấp cho Ukraina - và 1 tỉ euro khác để mua đạn pháo mới do các nhà thầu quân sự sản xuất.

Các đơn đặt hàng được Cơ quan Quốc phòng EU phụ trách và theo dõi. Vấn đề bây giờ là tìm ra nhà thầu nào, theo nguồn tin của Politico.

Pháp được cho là đang nhấn mạnh rằng chỉ các công ty EU mới được xem xét, nhưng ai thực sự đủ điều kiện là công ty EU thì chưa có sự chắc chắn về mặt pháp lý. Hy Lạp và Cyprus đồng tình với quan điểm của Pháp, với hàm ý loại các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, theo Politico, Ủy ban châu Âu cũng cần vạch ra năng lực ngành công nghiệp quốc phòng của khối trước khi hoàn tất thỏa thuận, bởi việc mở rộng sản xuất có thể nói dễ hơn làm.

Ngày 5.4, các đại sứ EU gặp nhau thảo luận nhưng không đạt tiến bộ đáng kể nào. Tuy nhiên, đại diện các nước EU đã hoàn thiện văn bản của thỏa thuận quyên góp đạn dược, văn bản này sẽ được công bố vào tuần tới.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU - ông Josep Borrell - là người đề xuất kế hoạch đạn dược, lập luận rằng đó là vấn đề quan trọng nhất. “Nếu chúng ta thất bại trong việc này, kết quả của cuộc chiến sẽ gặp nguy hiểm” - ông Borrell nói vào tháng Hai.

Mỹ, EU và NATO đều khẳng định không tham gia vào cuộc xung đột, đồng thời cho rằng Ukraina phải thắng và Nga phải thua. Mátxcơva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây ngừng "nhồi nhét" vũ khí và đạn dược vào Kiev, cho rằng họ chỉ đang trì hoãn điều không thể tránh khỏi trong khi có nguy cơ đối đầu công khai.

Tổng thống Vladimir Putin tuần trước cho biết Nga đã tăng sản lượng đạn dược của riêng mình, gấp ba lần số lượng đạn mà Mỹ và EU dự định cung cấp cho Kiev trong thời gian 1 năm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội