A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EU liên tiếp trừng phạt Nga, riêng một tập đoàn vẫn "sống khỏe": Moscow nắm giữ thứ quý giá thế nào?

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra tới nay, EU đã triển khai 10 vòng trừng phạt Nga, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại và một số hoạt động xuất khẩu quan trọng của Nga.

 

EU liên tiếp trừng phạt Nga, riêng một tập đoàn vẫn "sống khỏe": Moscow nắm giữ thứ quý giá thế nào? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tờ New York Times nhận định, các trụ bê tông khổng lồ của các nhà máy điện hạt nhân do Nga xây dựng nằm rải rác khắp châu Âu là lời nhắc nhở hữu hình về vai trò quan trọng của Nga trong vấn đề năng lượng của lục địa này.

Liên minh châu Âu (EU) đã hành động với tốc độ đáng kinh ngạc để từ bỏ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Riêng có 1 mặt hàng nằm trong vùng ngoại lệ đáng chú ý: đó là năng lượng hạt nhân.

Công ty độc quyền năng lượng hạt nhân, thuộc sở hữu nhà nước của Nga, Rosatom - công ty xuất khẩu và làm giàu uranium cũng như xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới, hầu như không tổn hại gì, nó vẫn an toàn bởi vai trò sống còn đối với năng lượng hạt nhân toàn cầu và thực tế rằng nó không dễ bị thay thế.

EU liên tiếp trừng phạt Nga, riêng một tập đoàn vẫn "sống khỏe": Moscow nắm giữ thứ quý giá thế nào? - Ảnh 2.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Rosatom được đề xuất ở Phần Lan. Ảnh: Shutterstock

Rosatom "sống khỏe"

Rosatom là nhà xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân chủ lực trên thế giới. Vào năm 2021, gã khổng lồ năng lượng hạt nhân của Nga đã cung cấp 14% uranium cho các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ. Các công ty của châu Âu cũng đã mua gần 1/5 nhiên liệu hạt nhân của họ từ Rosatom.

Với rất ít lựa chọn thay thế, châu Âu có rất ít sự ủng hộ đối với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Rosatom - bất chấp sự thúc giục từ chính phủ Ukraine.

Rosatom đã xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới và trong nhiều trường hợp, công ty còn tài trợ cho các chính phủ xây dựng nhà máy. Vào cuối năm 2021, gần 1/5 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới là ở Nga hoặc do Nga xây dựng. Rosatom cũng đang xây dựng thêm 15 nhà máy bên ngoài Nga.

Kacper Szulecki, giáo sư nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy, cho biết chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cao đến mức chỉ có chính phủ mới có thể tài trợ được.

Trong những trường hợp ngay cả chính phủ cũng không có khả năng chi trả, Rosatom thường can thiệp, cung cấp hạn mức tín dụng được bảo đảm bởi chính phủ Nga. Cùng với đó, công ty có thể cung cấp các hợp đồng dài hạn để cung cấp nhiên liệu hoặc vận hành nhà máy.

Sự phụ thuộc như vậy vào Nga có thể vượt qua những cân nhắc về trừng phạt. CNN cho biết, Hungary là nước phản đối mạnh mẽ nhất các biện pháp trừng phạt của EU đối với Rosatom.

Đây cũng là một trong số các quốc gia EU duy nhất dựa vào năng lượng hạt nhân cho hơn 40% sản lượng điện của mình và có thỏa thuận tài chính dài hạn với Rosatom để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân.

EU liên tiếp trừng phạt Nga, riêng một tập đoàn vẫn "sống khỏe": Moscow nắm giữ thứ quý giá thế nào? - Ảnh 3.

 

Rosatom đã chứng tỏ thành công đặc biệt với tư cách vừa là một doanh nghiệp kinh doanh vừa là phương tiện gây ảnh hưởng của Nga. Sức ảnh hưởng của công ty này, theo các chuyên gia đánh giá, là dựa vào cơ chế có thể cung cấp trọn gói cho khách hàng: từ vật liệu, quá trình đào tạo, hỗ trợ, bảo trì, xử lý chất thải hạt nhân,...và có lẽ quan trọng nhất là cấp vốn với những điều kiện thuận lợi cho đối tác.

Rosatom chứng kiến xuất khẩu tăng hơn 20% trong năm sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đồng thời, công ty cũng đã xây dựng các nhà máy hạt nhân mới ở Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập ở Thổ Nhĩ Kỳ, với hàng chục hợp đồng cung cấp khác đang được đàm phán.

Châu Âu tìm cách thoát phụ thuộc

Mặc dù vậy, từ tháng 2/2022, một số nước châu Âu cũng đã bắt đầu tìm cách thoát phụ thuộc khỏi gã khổng lồ năng lượng của Nga.

Công ty năng lượng của Cộng hòa Séc, CEZ, đã ký hợp đồng với Công ty Điện lực Westinghouse có trụ sở tại Pennsylvania và công ty Framatome của Pháp để cung cấp các tổ hợp nhiên liệu cho nhà máy của họ ở Temelin.

Ở Phần Lan, công ty năng lượng  Fennovoima, đã chấm dứt một dự án xây lò phản ứng hạt nhân với Rosatom. Một công ty khác, Fortum, đã thuê Westinghouse thiết kế, cấp phép và cung cấp một loại nhiên liệu mới cho nhà máy của mình ở Loviisa, Phần Lan, sau khi các hợp đồng hiện tại hết hạn.

Slovakia và thậm chí cả Hungary, đồng minh thân cận nhất của Nga trong EU, cũng đã liên hệ với các nhà cung cấp nhiên liệu thay thế.

Tuy nhiên, ngay cả trước những thay đổi như vậy, một báo cáo gần đây trên tạp chí Nature Energy vẫn kết luận, trong khi chiến sự ở Ukraine sẽ làm suy yếu vị thế của Rosatom ở châu Âu và làm tổn hại danh tiếng của họ với tư cách là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy thì vị thế trên toàn cầu của nó "có thể vẫn sẽ vững mạnh".

Theo Duy Anh

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội