A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đường vào NATO mờ mịt

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 11/7 đề xuất cắt giảm thủ tục gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương cho Ukraine.

 
Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT
 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 11/7 đề xuất cắt giảm thủ tục gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương cho Ukraine, tuy nhiên việc nước này trở thành thành viên của NATO vẫn còn mờ mịt vì không phải nước nào cũng sẵn sàng vượt lằn ranh đỏ do Nga vạch ra.

Trong một động thái ủng hộ mới nhất, ông Stoltenberg đề xuất rằng các quốc gia thành viên NATO có thể loại bỏ các yêu cầu đối với những tiêu chí trong Kế hoạch hành động thành viên (MAP), để mở đường dễ dàng hơn cho Ukraine gia nhập NATO. Theo đó có thể giúp thay đổi lộ trình gia nhập đơn giản hơn cho Kiev từ quy trình hai bước rút ngắn thành quy trình một bước khi xin vào NATO.

Ngoài MAP, để gia nhập NATO thì Ukraine còn phải thực hiện các tiêu chí khác như xích lại gần tổ chức quân sự do Mỹ đứng đầu bằng cách đảm bảo khả năng tương tác đầy đủ giữa lực lượng Ukraine và lực lượng NATO, Kiev sẽ chủ yếu sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất.

Trước đó, các quan chức Ukraine bao gồm cả Tổng thống Volodymir Zelensky từng nhiều lần kêu gọi NATO cung cấp cho quốc gia này một lộ trình cụ thể để hướng tới việc gia nhập NATO và Kiev kỳ vọng lộ trình này sẽ được chính thức đệ trình trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Lithuania sắp tới.

 

Quan điểm này của Ukraine đã nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên NATO như Ba Lan và những quốc gia vùng Baltic. Tuy nhiên, hai thành viên quan trọng bậc nhất của khối là Mỹ và Đức thì vẫn luôn thể hiện thái độ phản đối việc này.

Ngày 4/7 khi được hỏi về khả năng Ukraine gia nhập NATO, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trả lời rằng Kiev “sẽ phải thực hiện cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn giống như bất kỳ quốc gia NATO khác trước khi họ gia nhập”. Đến ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục khẳng định Ukraine chưa thể sẵn sàng gia nhập NATO do chiến sự giữa nước này với Nga cần phải kết thúc trước.

Người đứng đầu nước Mỹ khẳng định NATO cần vạch ra một con đường hợp lý để Ukraine có thể đạt được đủ điều kiện gia nhập và việc bỏ phiếu về vấn đề này vào thời điểm hiện tại là “quá sớm” do vẫn còn các tiêu chí khác cần được đáp ứng. Với những động thái trên, rào cản lớn nhất cho việc Ukraine có thể gia nhập sớm NATO đến từ chính đồng minh quan trọng nhất của nước này là Mỹ.

 

Trước đó, NATO lần đầu đưa ra cam kết về việc Ukraine có thể gia nhập là ở trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008, bất chấp quan điểm phản đối kịch liệt của Nga. Ukraine sau đó chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi cuối tháng 9/2022. Kể từ đó, giới chức Ukraine liên tục kêu gọi khối quân sự này đẩy nhanh quy trình xét duyệt và phê chuẩn.

Tuy nhiên, điều NATO cân nhắc nhất không phải các vấn đề thủ tục hay tiêu chí mà nằm ở việc Nga đã nhiều lần tuyên bố việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là một trong những lằn ranh đỏ của nước này. Từ trước khi chiến sự nổ ra, Moscow đã nhiều lần yêu cầu phương Tây phải đảm bảo sự ràng buộc về mặt pháp lý để Ukraine không bao giờ được gia nhập vào khối quân sự này.

Đồng thời Nga muốn Ukraine cam kết trung lập, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự do việc NATO mở rộng về phía biên giới của Nga được nước này coi như một mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Với tiềm lực quân sự của Nga cũng như sự kiên định trong quan điểm của nước này thì đường vào NATO của Ukraine sẽ còn rất xa và gập ghềnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội