Đón khách Trung Quốc từ 15/3: Cơ hội phát triển du lịch
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu những định hướng về đổi mới sản phẩm, đổi mới tư duy để đón tiếp và phục vụ khách Trung Quốc từ 15/3.
+ Trong cuộc làm việc ngày 8/3 với Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), Tham tán Văn hóa của Đại sứ quán Trung Quốc Bành Thế Đoàn thông tin về việc các doanh nghiệp Trung Quốc được tổ chức tua khách đoàn sang Việt Nam từ 15/3. Tổng cục Du lịch có những khuyến cáo nào cho địa phương, doanh nghiệp?
- Không phải chờ tới bây giờ, ngay khi Trung Quốc mở cửa từ 8/1/2023, ngày 9/1/2023 Tổng cục Du lịch (TCDL), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Quảng Ninh tổ chức hội thảo ở Móng Cái về việc đón tiếp, thu hút khách Trung Quốc đến Việt Nam. Các nhà quản lý, chuyên gia đưa ra giải pháp, những việc cần phải làm để chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế và đặc biệt là khách Trung Quốc.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Tổng cục Du lịch ở nhiều diễn đàn đều định hướng địa phương và doanh nghiệp phải đổi mới trong đón tiếp và phục vụ đón khách quốc tế, nhất là khách Trung Quốc vốn là thị trường trọng điểm.
Sau COVID-19 xu hướng, nhu cầu đi du lịch đã thay đổi nên ta phải chủ động tính toán đón phân khúc thị trường khách cao cấp hơn, ứng dụng công nghệ để khai thác dữ liệu nhằm nắm bắt nhu cầu thực của khách, từ đó có sản phẩm và dịch vụ phù hợp, hiểu khách để phục vụ tốt hơn.
Siết “tua 0 đồng”, tua giá rẻ
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khuyến cáo các doanh nghiệp Trung Quốc lựa chọn doanh nghiệp uy tín của Việt Nam để tổ chức tua đoàn. Để hạn chế khả năng cạnh tranh không lành mạnh, giành giật nhau đón khách thông qua giảm giá, cắt giảm chất lượng, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng cần hình thành các câu lạc bộ đảm bảo mặt bằng giá, đảm bảo quyền lợi cho du khách bằng những cam kết về chất lượng. “Câu chuyện cắt xén tua để hạ giá không mới, tuy nhiên trong thời điểm này cần siết chặt hơn, yêu cầu doanh nghiệp lữ hành hai bên thực hiện tốt các quy định về quản lý, kinh doanh du lịch của nước sở tại”, ông Hà Văn Siêu nói.
+ Du khách Trung Quốc tới Việt Nam vốn ưa thích sản phẩm nghỉ dưỡng biển, mua sắm... Vậy theo ông doanh nghiệp lữ hành, du lịch còn có thể khai thác những sản phẩm nào để đón khách Trung Quốc hiệu quả hơn?
- Doanh nghiệp cần tính đến sự đa dạng hóa sản phẩm để khai thác nhu cầu còn tiềm ẩn, bởi có nhiều nhu cầu trước đây chúng ta chưa chạm tới được. Chúng ta chủ yếu trước đây mới giải quyết nhu cầu ăn ở, đi lại, mua sắm chưa quan tâm nhiều tới những dịch vụ như giải trí, thể thao, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và đặc biệt du lịch MICE - hội nghị, hội thảo.
Có như vậy khách quốc tế đến Việt Nam sau đại dịch tuy số lượng chưa tăng nhanh nhưng hoạt động du lịch, thu từ du lịch phải tăng lên bằng cơ cấu sản phẩm dịch vụ mới, đa dạng và chất lượng.
Thị trường khách Trung Quốc rất lớn nhưng Việt Nam mới chạm vào một góc mà thôi, còn nhiều phân khúc cao cấp chưa khai thác được nhiều.
Các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chủ động hơn nữa, phải làm việc với đối tác lớn của Trung Quốc để đón khách, tránh thụ động khi họ gửi khách đến mình chỉ là bàn tay nối dài. Mỗi địa phương, doanh nghiệp cần phát huy chiến lược, bản sắc riêng. Khi khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch với số lượng lớn, địa phương cần chủ động phương án quản lý điểm đến an toàn, an ninh, giãn khách ở các dịp cao điểm cuối tuần, kỳ nghỉ để tránh quá tải cục bộ.
+ Nhiều người có cái nhìn phiến diện về thị trường khách Trung Quốc, chủ yếu do hệ lụy từ “tua 0 đồng”, tua giá rẻ. Để đón được khách ở phân khúc chi tiêu cao, du lịch Việt Nam cần chú trọng những gì, thưa ông?
- Khách Trung Quốc có sức mua rất lớn với quyết định mạnh tay chi đến đồng xu cuối cùng, khác hẳn với khách phương Tây chi tiêu có kế hoạch không có nhu cầu mua sắm. Trước đây do doanh nghiệp kiểm soát chi tiêu của khách ở loại hình tua giá rẻ cho nên ta cứ nghĩ khách Trung Quốc chi tiêu ít.
Tuy nhiên thực tế qua khảo sát mức chi tiêu trung bình của người Trung Quốc ở nước ngoài thuộc loại cao. Vì thế doanh nghiệp, địa phương đón khách không nên phân biệt, coi thường bất cứ thị trường khách nào, cần nắm được nhu cầu của khách để đáp ứng phù hợp.
+ Tổng cục Du lịch có kế hoạch xúc tiến, quảng bá thế nào để đón được chính sách mở cửa du lịch từ 15/3?
- Kế hoạch quảng bá, xúc tiến được xây dựng từ đầu năm 2023, trong đó có riêng nội dung dành cho thị trường Trung Quốc. Tổng cục Du lịch từng ký kết hợp tác với 7 địa phương Trung Quốc, vì thế chúng tôi sẽ nối lại chương trình hợp tác này, tiến hành các hoạt động xúc tiến, hợp tác hai chiều, trong đó có sự kiện lớn là Hội chợ du lịch Bắc Kinh vào tháng 6/2023.
Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch cũng định hướng cho các doanh nghiệp mở rộng quảng bá trên các mạng xã hội, nền tảng số thịnh hành của Trung Quốc.
Cảm ơn ông!
Trao đổi chặt chẽ với Trung Quốc để khôi phục du lịch theo đoàn
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 9/3, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, thời gian qua, Việt Nam duy trì trao đổi chặt chẽ với Trung Quốc về việc thúc đẩy hợp tác du lịch, trong đó có khôi phục du lịch theo đoàn. Chính phủ Trung Quốc dự kiến đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm khôi phục mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3. "Việt Nam mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, cùng nhau thúc đẩy để du lịch hai nước phục hồi và phát triển lành mạnh, vì lợi ích của hai bên và đáp ứng nhu cầu của người dân hai nước", bà Hằng nói.Bình Giang