A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để không còn ám ảnh hỏa hoạn chung cư

Một trong những nỗi ám ảnh của người sở hữu chung cư chính là khả năng thoát nạn nếu xảy ra hỏa hoạn.

Để không còn ám ảnh hỏa hoạn chung cư

Hiện trường vụ cháy chung cư mini trong ngõ 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Công an Hà Nội

Tôi từng đến chơi nhà một anh bạn, ở tầng 10 một chung cư khá hiện đại tại Hà Đông. Hôm ấy, tôi để ý thấy một cuộn dây thừng to tướng ở ban công. Hỏi thì anh cười, cứ mua cho chắc, nhỡ có hỏa hoạn còn biết đường mà trèo xuống. Tất nhiên là anh quá lo xa. Nhưng câu hỏi đặt ra là nhà tầng 10 thì có thể dùng dây thừng, dù đã ở rất cao và khả năng xe cứu hỏa có thể vươn tới để hạn chế hỏa hoạn nhưng ở tầng 20 hay 30 thì sao?

Nhà ở chung cư về cơ bản là khá an toàn bởi hệ thống báo cháy, chống cháy đúng tiêu chuẩn. Nhưng hỏa hoạn vẫn là nỗi lo khá thường trực. Đơn cử gần nhất vào lúc nửa đêm, rạng sáng ngày 1.4, một căn hộ ở tầng 5 chung cư phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) bỗng nhiên bốc cháy. Với sự nỗ lực của các lực lượng, khoảng 0h30, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, toàn bộ người dân tại khu chung cư đã chủ động thoát nạn theo đường thang bộ, quá trình thoát nạn không có người bị ngạt khói hay bị thương.

Câu chuyện này cho thấy, việc tiếp cận và xử lý hỏa hoạn ở Hà Nội đã có những tiến triển tốt. Người dân có ý thức hỗ trợ cơ quan chức năng để giảm thiểu thiệt hại.

Mới đây, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thông tin, ngày 30.3.2025 là hạn cuối các cơ sở trên phải hoàn thành thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ và nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh”, nếu không phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong. Trước thời hạn trên, đơn vị đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, đồng thời, hướng dẫn bằng văn bản về các việc làm cụ thể bảo đảm an toàn PCCC và CNCH cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh...

Trong đó, Phòng đưa ra giải pháp cải tạo lại thang bộ, tạo buồng thang bộ cho công trình, bịt kín các trục thông tầng, trục kỹ thuật, ngăn cách lối ra thoát nạn tại tầng 1 và khu vực kinh doanh, khu vực để xe (nếu có) bằng giải pháp ngăn cháy, bảo đảm lối thoát nạn, không bố trí vật dụng, hàng hóa cản trở tại lối ra khẩn cấp qua ban công, lô gia tại mỗi tầng…

Nếu công trình có lồng sắt dạng “chuồng cọp” thì phải có cửa mở có khóa và đặt khóa ở nơi mọi người đều biết để thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; bố trí lối lên mái qua thang bộ trong nhà, thang leo tay hoặc bố trí lối ra khẩn cấp qua ban công, lô gia tại mỗi tầng. Chủ cơ sở trang bị thêm thang dây tại vị trí lối ra khẩn cấp tại các tầng để sử dụng khi cần thiết…

Rõ ràng, việc phòng tránh hỏa hoạn không chỉ là câu chuyện của chính quyền mà là của mỗi người dân, hộ gia đình và đặc biệt là những chủ đầu tư, chủ cơ sở kinh doanh phòng trọ. Có như thế, nỗi ám ảnh hỏa hoạn, đặc biệt ở chung cư sẽ không còn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội