A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh giá rõ hơn về nợ xấu phát sinh dưới tác động của dịch Covid-19

Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Ngân hàng, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sau gần 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Trong đó: Xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý).  

Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).

Chính phủ cũng đã kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu ban hành luật cần nhiều thời gian trong khi Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022 nên Chính phủ đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết này.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Cũng theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, kết quả mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC, lũy kế từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/12/2021, VAMC đã: Mua được 339 khoản nợ theo giá trị thị trường đối với 193 khách hàng với dư nợ gốc đạt 11.723 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 11.822 tỷ đồng; Thu hồi nợ đạt 120.738 tỷ đồng (bằng 66% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2021); Tổ chức đấu giá thành công 22 tài sản với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 2.516 tỷ đồng; đồng thời, VAMC đã thu giữ, nhận bàn giao một số tài sản bảo đảm có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại tổ chức tín dụng...

Đánh giá tác động cụ thể đối với từng chính sách

Trong báo cáo thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Ngân hàng Nhà nước cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư có liên quan, các tỉnh, thành phố trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 và đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua theo Nghị quyết đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Đồng thời cơ quan thẩm tra cho biết thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết tại 1 kỳ họp (tháng 5/2022) nhằm bảo đảm sự kịp thời cũng như tạo cơ sở pháp lý liên tục cho công tác xử lý nợ xấu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về nội dung dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 trong thời hạn 2 năm. Loại ý kiến thứ hai cũng thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng như trên nhưng cần xem xét sửa đổi một số nội dung cần thiết, có ý nghĩa thúc đẩy hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian kéo dài thí điểm.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai. Ngoài ra, trường hợp được xem xét kéo dài thí điểm và sửa đổi, bổ sung một số nội dung, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, trong đó đánh giá tác động cụ thể đối với từng chính sách lựa chọn sửa đổi, bổ sung; hiệu quả của các biện pháp khác quy định tại Nghị quyết; thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu… để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo cần bổ sung đánh giá về nợ xấu phát sinh dưới tác động của dịch Covid-19 như thế nào, nợ xấu cho vay các dự án BOT, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp...  

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đã cảnh báo nhiều lần rồi, chứ không phải bây giờ mới cảnh báo. Tình hình thị trường chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn tới đây rất nóng. Đồng thời, giao Ủy ban Kinh tế rà soát, kiểm tra, đánh giá; báo cáo cũng cần đánh giá rõ đóng góp của Tòa án, Viện kiểm sát, Công an trong thực hiện Nghị quyết 42.     


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội