Đà Nẵng vận động học sinh trở lại trường sau lũ
Nhiều trường học đã kịp thời huy động các nguồn lực để hỗ trợ sách, tập vở cho những học sinh trắng tay đến trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vận động quyên góp sách vở, đồ dùng học tập hỗ trợ cho học sinh. |
Sáng 17/10, học sinh Đà Nẵng trở lại trường học sau trận lũ kinh hoàng ngày 14/10.
Chỉ cần học sinh đến trường là đủ
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có nhiều học sinh cư trú tại tuyến đường Mẹ Suốt, Phạm Như Xương, Hoàng Văn Thái. Đây là những khu vực bị ngập sâu trong trận lũ kinh hoàng ngày 14/10 vừa qua.
Cô Bùi Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng cho biết: “Thông qua các giáo viên chủ nhiệm, nhà trường nhắn gửi tới phụ huynh học sinh cố gắng cho con em trở lại trường học. Ở lứa tuổi tiểu học, các em ở nhà cũng không phụ giúp được gì nhiều. Chỉ cần các em đến trường, thiếu gì thì thầy cô sẽ tìm cách hỗ trợ. Thậm chí, chúng tôi thông báo với phụ huynh, nếu đồng phục, sách vở, bút mực bị trôi hết, các em cứ đến trường, có áo quần gì mặc nấy, rồi thầy cô sẽ lo liệu”.
Nhờ vậy, chỉ trừ những học sinh ốm đau, tất cả học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đều đi học đầy đủ. “Trong ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, giáo viên chủ nhiệm sẽ phát cho những em không có tập vở khoảng 5-6 quyển, đủ để dùng cho các môn học. Bút viết cũng được chuyển đến cho học sinh” – cô Tuyền cho biết. Theo thống kê sơ bộ, toàn trường có khoảng hơn 300 học sinh mất hết sách vở, áo quần đồng phục sau đêm 14/10.
Cô giáo Kim Anh – Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã kêu gọi quyên góp sách giáo khoa, tập vở, đồ dùng học tập để chia sẻ với các em học sinh vùng ngập lụt. |
Trong các ngày 15, 16/10, cô giáo Kim Anh – Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã kêu gọi quyên góp sách giáo khoa, tập vở, đồ dùng học tập để chia sẻ với các em học sinh vùng ngập lụt.
“Trước mắt, nhà trường tập trung phân loại sách giáo khoa, ưu tiên cho các em có đủ sách Tiếng Việt, Toán và Anh văn để phục vụ học tập. Những đầu sách khác có thể chậm hơn một chút cũng không ảnh hưởng gì nhiều” – cô Tuyền thông tin.
Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình em Ung Văn Sang, học sinh lớp 7/8 bị thiệt hại nặng. Gia đình em ở trọ tại tuyến đường Mẹ Suốt. Phòng trọ thấp nên trận lũ đêm 14/10 đã cuốn trôi nhiều thứ, trong đó có quần áo, sách vở, dụng cụ học tập. Xe máy của ba là phương tiện duy nhất bị ngập nước, hư hỏng nên không đưa đón con đi học được.
"Nhà trường đã quyết định trao hỗ trợ cho em và gia đình số tiền 500.000 đồng, 1 bộ sách giáo khoa lớp 7 và 20 quyển vở để giúp em tiếp tục học tập trong thời gian tới. Nhà trường sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ để em và gia đình vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay để em được yên tâm tham gia học tập" - thầy Huỳnh Duy Linh, Hiệu trưởng cho biết.
Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) hỗ trợ sách vở, quần áo cho học sinh có gia đình bị thiệt hại nặng trong cơn lũ ngày 14/10. |
Trường THCS Lương Thế Vinh cũng đã tặng sách giáo khoa cho gần 10 em học sinh bị trôi hết sách vở để các em yên tâm đến trường.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Trên cơ sở thống kê số liệu do các đơn vị, trường học báo cáo lên, trước mắt, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã vận động hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh bị ảnh hưởng bởi đợt lũ ngày 14/10. Trước mắt, Liên đoàn Lao động thành phố đã thống nhất hỗ trợ kinh phí để học sinh mua 1.362 bộ sách lớp 1 và lớp 2. Hiện nay chúng tôi đang làm việc với Công ty sách để chuyển sớm nhất có thể đến các đơn vị”.
Trang bị kỹ năng an toàn cho học sinh
Tiết học đầu tiên của học sinh Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), các em được hướng dẫn kỹ năng phòng tránh tai nạn rủi ro có thể gặp phải. Đặc biệt, y tế nhà trường hướng dẫn học sinh cách chăm sóc, vệ sinh bản thân sau bão lũ, kỹ năng an toàn khi sử dụng điện, nằm ngủ phải mắc màn để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết…
Trong buổi sinh hoạt dưới cờ, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng đã hướng dẫn học sinh các kỹ năng thoát hiểm và đảm bảo an toàn trong thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, học sinh được nhắc nhở phải giữ vệ sinh trong ăn uống, không sử dụng nước giếng ở những nơi bị ngập hoặc nước chưa qua đun nấu, để tránh bị tiêu chảy.
Ngoài hướng dẫn những nội dung trên, Trường THCS Lương Thế Vinh lên kế hoạch để học sinh thực hành các kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cứu tai nạn thương tích…, kỹ năng thoát hiểm….
“Từ mấy năm nay, nhà trường đưa môn bơi thành môn học bắt buộc trong chương trình thể dục của học sinh khối lớp 6-7. Vì vậy, hầu hết học sinh của trường đều thành thạo kỹ năng bơi. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chú trọng hướng dẫn để học sinh thực hành kỹ năng bơi an toàn, phòng chống đuối nước” – thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Học sinh Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng được hướng dẫn các kỹ năng an toàn sau bão lũ để tránh một số bệnh ngoài da, tiêu chảy và đảm bảo an toàn điện. |
Ngày 17/10, Đà Nẵng còn 9 trường và 3 điểm trường chưa đảm bảo điều kiện để đón học sinh đi học lại. Trong đó Trung tâm Chăm sóc Giáo dục OneSky vẫn đang tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ do bão gây ra, tiến hành dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo an toàn đón trẻ mầm non đi học lại vào ngày 18/10. Tại huyện Hoà Vang có Trường Mầm non Hòa Phong, điểm trường Trường Định của Trường Mầm non Hòa Liên vẫn chưa thể đến trường được.
Ngoài ra, ở cấp học tiểu học, Hòa Vang có 3 trường và 2 điểm trường gồm Tiểu học Lâm Quang Thự, Tiểu học Số 1 Hòa Sơn, Tiểu học số 2 Hòa Tiến, Tiểu học Hòa Liên ở điểm Trường Định, Tiểu học Hòa Bắc điểm Nam Yên, học sinh vẫn đang nghỉ học. Cấp học THCS: có 3 trường gồm THCS Phạm Văn Đồng, THCS Trần Quốc Tuấn và THCS Nguyễn Tri Phương.
Quận Liên Chiểu chỉ có Trường Tiểu học Hồng Quang vẫn chưa thể khắc phục xong hậu quả của đợt mưa lũ ngày 14/10.
Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT Hòa Vang cho biết: "Với những trường học chưa thể triển khai dạy - học trở lại ngay sau bão số 5, các trường sẽ chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện nay, giáo viên và từng trường học đã được trao quyền chủ động trong xây dựng kế hoạch dạy học. Vì vậy, không như trước đây nghỉ ngày nào thì phải tổ chức dạy bù đủ ngày đó. Miễn sao kết thúc năm học, nhà trường hoàn thành chương trình dạy - học theo phân phối chương trình là được".