Châu Âu tranh giành khí đốt làm tổn thương các quốc gia nghèo
EU đang đẩy các nước đang phát triển ra khỏi thị trường khí đốt hoá lỏng khi mức giá đã lên quá cao do cuộc cạnh tranh khốc liệt nguồn cung.
Cuộc tranh giành khí đốt của châu Âu làm tổn thương các quốc gia nghèo. Ảnh: Getty Images
Theo báo Wall Street Journal, các quốc gia châu Âu đang tích cực mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) như một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp khí đốt từ đường ống của Nga, khiến các quốc gia nghèo hơn không thể cạnh tranh do giá quá cao. Đây là thông tin trên tờ Wall Street Journal ngày 8/7.
Theo công bố, giá LNG đã tăng vọt 1.900% so với mức thấp 2 năm trước. Giá hiện tại tương đương với việc mua dầu ở mức 230 USD/thùng, trong khi LNG thường giao dịch với một mức giá chiết khấu so với dầu. Các nước đang phát triển không thể cạnh tranh với châu Âu về nguồn cung cấp với mức giá khoảng 40 USD / triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu).
Theo dữ liệu của Wood Mackenzie được Wall Street Journal trích dẫn, các quốc gia châu Âu đã tăng nhập khẩu LNG gần 50% từ đầu năm đến ngày 19/6. Trong khi đó, nhập khẩu của Ấn Độ trong cùng thời kỳ giảm 16%, Trung Quốc giảm mua 21% và Pakistan giảm 15%.
Các quan chức Pakistan cho biết, một cuộc mở thầu của Pakistan nhằm mua lượng LNG khoảng 1 tỷ USD đã không thu hút được lời đề nghị nào vào ngày 7/7. Họ giải thích rằng mỗi ngày, các doanh nghiệp và hộ dân Pakistan phải chịu đựng nhiều giờ cắt điện luân phiên vì Islamabad không thể nhập khẩu đủ khí đốt tự nhiên nhằm cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện.
“Mọi phân tử khí đốt sẵn có trong khu vực của chúng ta đã được châu Âu mua bởi vì họ đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Nga”, Bộ trưởng Năng lượng Pakistan Musadiq Malik cho biết.
Trong một số trường hợp, những chuyến hàng LNG đến các nước nghèo hơn đã được chuyển hướng sang châu Âu. Các chuyên gia lưu ý rằng việc chuyển hướng vẫn có lợi cho các nhà cung cấp ngay cả khi họ buộc phải trả tiền phạt theo hợp đồng với các nước đang phát triển.
Theo ông Valerie Chow, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khí đốt và LNG của Châu Á Thái Bình Dương tại Wood Mackenzie, nguồn cung cấp LNG của thế giới được sử dụng để sản xuất điện đang bị các quốc gia châu Âu “nuốt chửng”. Ông Chow nói với WSJ rằng "các thị trường mới nổi ở châu Á đang phải gánh chịu những gánh nặng của châu Âu, mà chưa thấy hồi kết."
Hiện tại, các nước châu Âu chạy đua tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung năng lượng, khi đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông lạnh giá cuối năm.
Tình trạng gián đoạn nguồn cung xuất hiện ở khắp lục địa, khi các nước như Áo, Pháp và Cộng hòa Séc cố tìm đủ khí đốt để lấp đầy bể lưu trữ trước khi mùa đông tới và nguy cơ Nga cắt khí đốt hoàn toàn, điều mà nhiều người lo ngại có thể xảy ra ngay vào cuối tháng 7.
Cuộc khủng hoảng năng lượng được cảm nhận rõ rệt nhất ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vốn phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vào mùa đông tới có thể khiến Đức phải đối mặt nguy cơ phân bổ khí đốt theo hạn mức và đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất, có thể dẫn tới tình trạng thất nghiệp và biểu tình.
Tháng trước, Đức khởi động giai đoạn hai của kế hoạch ứng phó khẩn cấp ba giai đoạn, khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh. Nếu giai đoạn ba được kích hoạt, chính phủ sẽ phải thực hiện chính sách phân bổ khí đốt theo định mức, ưu tiên cho các nhu cầu khẩn cấp.
Quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu về một biện pháp cho phép chính phủ "giải cứu" các công ty đang phải vật lộn với giá khí đốt cao kỷ lục và nguồn cung ngày càng giảm từ Nga. Nó cũng cho phép các nhà cung cấp khí đốt tăng giá nếu giới chức xác định lượng khí đốt nhập khẩu vào Đức giảm đáng kể. Một số nhà kinh tế nhiều tháng qua cho rằng biện pháp như vậy là cần thiết để thoát phụ thuộc khí đốt Nga, dù có thể khiến hóa đơn năng lượng của người dân tăng vọt.
Tại Pháp, để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng, Pháp đã đặt cược vào các nhà máy điện hạt nhân, nơi cung cấp khoảng 70% điện năng cho đất nước, tỷ lệ lớn hơn bất kỳ quốc gia nào.
Một mối đe dọa mới với nguồn cung năng lượng sẽ xảy ra vào đầu tuần tới, khi hệ thống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) - đường ống nối từ các mỏ khí đốt Nga tới bờ biển phía bắc Đức - dự kiến ngừng hoạt động trong 10 ngày để bảo trì định kỳ hàng năm.
Nguồn cung từ Nga giảm đã làm tăng vai trò của Na Uy, quốc gia giờ được xem là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, trong việc thúc đẩy xuất khẩu để bù đắp thiếu hụt. Công nhân khí đốt Na Uy đầu tuần này tổ chức một cuộc đình công, đe dọa cắt giảm 60% nguồn cung tới Tây Âu, nhưng chính phủ đã nhanh chóng can thiệp để ngăn chặn đình công tiếp diễn.
Theo Thu Hằng
Báo Tin Tức