A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các tàu chở đường dồn dập hướng vào nước Nga

Ít nhất có 5 chuyến tàu ​​đang hướng về Nga với gần 200.000 tấn đường thô Brazil được bán bởi các thương nhân châu Âu, gấp đôi lượng đường nhập khẩu bình thường hàng năm của nước này, theo dữ liệu vận chuyển của hãng tin Reuters.

Các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu đường và các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác tại Nga tăng vọt, người dân vội vã mua đồ tích trữ khiến các kệ hàng trở nên trống rỗng, trong bối cảnh các nhà kinh doanh lo ngại các biện pháp trừng phạt có thể khiến các chủ hàng khó khăn hơn trong việc nhận tiền thanh toán cho hàng hóa của họ.

Các thương nhân cho hay, khối lượng đường được vận chuyển đến Nga cao bất thường. Được biết, mỗi năm Nga chỉ nhập khẩu khoảng 100.000 tấn đường, và đây không phải là nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu đường đáng chú ý.

Năm nay cũng không ngoại lệ, Nga ban đầu dự kiến ​​sẽ chỉ nhập khẩu khoảng 100.000 tấn đường trong cả năm từ tất cả các nhà cung cấp, không chỉ Brazil, theo số liệu của Tổ chức Đường quốc tế. Georgia dự kiến ​​sẽ nhập khẩu 130.000 tấn.

Mặc dù việc bán đường cho Nga hiện không bị áp đặt các lệnh trừng phạt, nhưng các giao dịch tài chính bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, các nhà phân tích cho biết các vấn đề an ninh ở Biển Đen có thể cản trở các tàu tới Nga.

Các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đen đã trở nên rối ren do chiến tranh khiến các cảng ở Ukraine bị đóng cửa và khi các công ty từ chối mua một số mặt hàng từ Nga. Một thương nhân có trụ sở tại Mỹ cho biết các tàu của Nga đang đợi ở khu vực Biển Đen để được thông quan để chuyển đến cảng Novorossiysk ở khu vực Krasnodar Krai của Nga.

Ngoài các chuyến đường đến Nga, còn có ba tàu với gần 100.000 tấn đường đến nước láng giềng Georgia của Nga, theo dữ liệu di chuyển cảng do các cơ quan vận tải ở Brazil và thông tin từ các thương nhân thị trường đường cung cấp.

Trong khi kế hoạch nhập khẩu đường của Nga trong năm nay là khoảng 100.000 tấn, còn Georgia dự kiến ​​sẽ nhập khẩu 130.000 tấn.

Reuters dẫn lời một nhà kinh doanh đường có trụ sở tại Mỹ cho biết tất cả số đường đang đến có thể hạ cánh ở Georgia, nhưng sau đó sẽ được chuyển đến Nga. Trong khi đó, một nhà kinh doanh đường khác, có trụ sở tại Brazil, cho biết khối lượng vận chuyển quá lớn trong một thời gian ngắn, đối với cả Nga và Georgia, nói rằng người mua có thể đang tìm cách tăng lượng dự trữ.

Các chuyến hàng đến cả Nga và Gruzia đã được chất lên các tàu rời Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, với ba nhà kinh doanh thực phẩm châu Âu và một công ty Brazil đứng sau các thương vụ: Sucden, Louis Dreyfus Co và Tereos ở châu Âu, và Raizen ở Brazil.

Sucden là người chơi lớn nhất trong các thương vụ này, với một tàu đến Georgia và bốn tàu đến Nga với tổng lượng đường thô là 188.250 tấn.

Dreyfus cho biết con tàu Pu Lan Hai, rời Brazil vào cuối tháng Hai, thông báo Nga là điểm đến. Hiện con tàu này sẽ để một phần tải trọng ở Ai Cập và phần còn lại ở Gruzia. Trong khi đó, công ty tư vấn IKAR cho biết 2 tàu chở 88.000 tấn đường thô đang trên đường từ Brazil đến cảng Biển Đen của Nga.

Về phía Nga, trước tình trạng "sốt" đường như hiện nay, Cơ quan Chống Độc quyền Liên bang (FAS) hôm thứ Năm (17/3) cho biết họ đang tiến hành kiểm tra tại các nhà sản xuất đường lớn sau khi giá đường tăng mạnh và sự thiếu hụt "vô cớ" ở một số khu vực khi người mua hàng đổ xô đi mua.

Nhiều người Nga coi đường, cùng với các mặt hàng chủ lực như kiều mạch và muối, là một sản phẩm hữu ích để dự trữ trong thời điểm khủng hoảng và đã vội vàng mua những mặt hàng này sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga, làm suy yếu đồng rúp và khiến giá lương thực tăng cao.

Các tàu chở đường dồn dập hướng vào nước Nga - Ảnh 1.

Các kệ ở siêu thị Nga hết đường. (Nguồn: https://usmail24.com/ )

Lạm phát ở Nga đến ngày 11 tháng 3 đã lên tới mức cao nhất kể từ cuối năm 2015 tính và giá đường đã tăng 12,8% trong tuần trước, dữ liệu từ dịch vụ thống kê Rosstat hôm 16/3 cho thấy.

Các nhà chức trách Nga cho biết mọi người đã đổ xô đi mua thực phẩm mà không có căn cứ. Các nhà phân tích của Promsvyazbank cũng cho biết tình trạng thiếu hụt là do hành vi của người tiêu dùng chứ không phải do thiếu sản phẩm. Theo Promsvyazbank, số bán đường đã tăng khoảng 6,5 lần kể từ đầu tháng Ba.

Tổ chức chống độc quyền FAS cho biết: "Việc không có đường trên các kệ hàng tại một số khu vực là do nhu cầu quá cao, vốn đang được thúc đẩy bởi các tổ chức không trung thực", và cho biết thêm rằng họ đang kiểm tra tất cả các khâu, từ các nhà sản xuất đường, chuỗi bán lẻ đến các trung gian.

Nga đã cấm xuất khẩu đường cho đến ngày 31 tháng 8 và đặt hạn ngạch miễn thuế đối với nhập khẩu 300.000 tấn đường, một phần của các biện pháp hạ nhiệt lạm phát.

Những biện pháp đó, cùng với thông tin từ Bộ Nông nghiệp dự kiến tăng diện tích trồng củ cải đường năm 2022 thêm 1,1 triệu ha sẽ làm tăng nguồn cung trong nước.

"Chúng tôi không gặp vấn đề gì với đường, các nhà sản xuất của chúng tôi đang sản xuất với số lượng đủ lớn", Viktor Evtukhov, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại, cho biết hôm thứ Năm (17/3). "Với quyết định cấm xuất khẩu và cho phép nhập khẩu tự do sản phẩm này, chúng tôi thực sự tin rằng sẽ không có bất kỳ sự thiếu hụt nào về mặt hàng này - vốn đang có nhu cầu rất cao từ người dân hiện nay."

Công ty bán lẻ Magnit của Nga đã thuê thêm nhân công để tăng cường năng lực đóng gói đường nhằm đẩy nhanh quá trình giao hàng đến các kệ hàng trong các cửa hàng của mình. Thành viên hội đồng quản trị Magnit Anna Meleshina cho biết: "Tất nhiên chúng tôi đang thấy nhu cầu gia tăng tạm thời đối với các loại hàng tạp hóa và phi thực phẩm cụ thể, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đây là một hiện tượng tạm thời và quá trình này sẽ ổn định trong tương lai gần".

Tham khảo: Reuters

 

https://cafef.vn/cac-tau-cho-duong-don-dap-huong-vao-nuoc-nga-20220318083728491.chn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội