Bình Thuận chỉ ra nguyên nhân hồ chứa nước Ka Pét chậm tiến độ
Việc triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đánh giá đến nay tiến độ còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân là tỉnh phải thận trọng rà soát, cân nhắc lại quy mô đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chậm tiến độ
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ).
Theo đó, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Kế hoạch Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ để cập nhật, hoàn thiện báo cáo của Chính phủ.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan của Quốc hội chậm nhất trong ngày 6/4.
Hồi cuối tháng 3, UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo tình hình dự án hồ chứa nước Ka Pét. Hiện tại, để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi trình thẩm định, phê duyệt cần cập nhật đầy đủ các chi phí liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, trồng rừng thay thế, vị trí bãi thải...
Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn như việc di dời Dinh Cậu trong phạm vi vùng ngập lòng hồ. Việc bố trí đất sản xuất cho 5 hộ dân có đất sản xuất nằm trong lòng hồ khoảng 5,1 ha do không có quỹ đất tại chỗ để bố trí tái định canh cho 5 hộ dân này vận động thuyết phục các hộ dân chấp nhận đền bù về đất bằng tiền, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tạo điều kiện sinh kế, ổn định cuộc sống. Tỉnh Bình Thuận cũng phải tổ chức rà soát lại diện tích đất để tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định…
Việc triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận đánh giá đến nay tiến độ còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân là tỉnh phải thận trọng rà soát, cân nhắc lại quy mô đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức khảo sát địa chất thì tại vị trí tuyến đập chính bố trí hiện nay nằm trên tầng địa chất yếu (là đới đá phong hoá vừa xen kẹp phong hóa mạnh ảnh hưởng đến độ an toàn của tuyến đập), đơn vị tư vấn và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (Ban QLDA) cần có thời gian để nghiên cứu, xem xét xử lý lớp địa chất này.
“Đồng thời có nguyên nhân chủ quan là sự thiếu quyết liệt của chủ đầu tư , sự phối hợp chưa tốt của các sở, ngành, địa phương có liên quan và sự chỉ đạo chưa thật sự hiệu quả của UBND tỉnh Bình Thuận”, báo cáo nêu.
Tháo gỡ thế nào?
Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung chỉ đạo Ban QLDA và các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định trước ngày 30/4, Ban QLDA và các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 20/4.
Tỉnh Bình Thuận cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương. Ban QLDA trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định dự án trước ngày 30/4.
Trong thời gian Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban QLDA phối hợp với các bộ để hoàn chỉnh hồ sơ dự án khi có yêu cầu.
UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường để sớm đủ điều kiện phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo.
Hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ hơn 51 triệu m3, dung tích hữu ích hơn 47 triệu m3, dung tích chết gần 4 triệu m3 và hệ thống kênh, các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 874 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương hơn 519 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2025.
Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết…
Sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án . Trên cơ sở đó, Bình Thuận giao Ban QLDA hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Theo Duy Quang