AI - giúp việc hiệu quả của ngành y tế
Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ liên quan đang được ứng dụng ngày một nhiều vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và đã cho thấy một số lợi thế của chúng ở mảng này.
Những công nghệ này được dự báo sẽ làm thay đổi nhiều khía cạnh của việc chăm sóc sức khỏe và các thủ tục hành chính liên quan. Nhiều chuyên gia tin rằng chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực có thể bị tác động nhiều nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhiều tiềm năng ứng dụng
Theo Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ (NLM), ứng dụng AI trong y tế không chỉ là một công nghệ cụ thể mà là một tập hợp gồm nhiều lĩnh vực như máy học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tự động hóa quy trình của robot, ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và điều hành.
Theo ông Tom Lawry, giám đốc quốc gia về AI tại Microsoft, hầu hết các tổ chức chăm sóc sức khỏe lớn đang bắt đầu sử dụng AI, tuy nhiên chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của lĩnh vực này.
Một trong những ứng dụng chính là sử dụng máy học để dự đoán. Người ta đang dùng AI để dự đoán mọi thứ, từ ước tính số lượng bệnh nhân khoa cấp cứu (để chủ động phân phối nhân sự) cho đến dự đoán phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất với bệnh nhân ung thư vú...
Họ cũng đang tận dụng khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và công nghệ thị giác máy tính của AI để giúp bác sĩ X-quang nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị. Khi đó, AI giúp bác sĩ quan sát kỹ hơn ảnh chụp, hỗ trợ thêm thông tin cho việc đọc hình, giúp bác sĩ giảm tối đa sai sót trong chẩn đoán hình ảnh.
Ngày nay, trong nhiều thử nghiệm, các thuật toán máy tính đã tỏ ra vượt trội hơn các bác sĩ X-quang trong việc phát hiện các khối u ác tính.
Tuy nhiên, tiềm năng được kỳ vọng nhất của AI trong chăm sóc sức khỏe lại nằm ở việc thay đổi quy trình lâm sàng. AI có thể tự động hóa nhiều công việc của bác sĩ, giúp quy trình khám chữa bệnh trở nên "thông minh" hơn.
Ông Tom Lawry cho rằng AI có giá trị theo hai hướng: một là tự động hóa các quy trình và xử lý hiệu quả các kiểu công việc lặp đi lặp lại, hai là tăng cường hiệu quả trong chẩn đoán, khám chữa bệnh.
Nguồn: McKinsey & Company - Tổng hợp: MINH KHÔI - Đồ họa: TUẤN ANH
Thu hút đầu tư lớn
Theo báo cáo từ công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, AI hiện là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe ở nhiều nước, tiêu biểu như ở Liên minh châu Âu (EU).
Ngày càng nhiều chính phủ đầu tư nghiên cứu AI trong chăm sóc sức khỏe như Phần Lan, Đức, Anh, Israel, Trung Quốc và Mỹ. Khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng khi dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào cho 50 công ty hàng đầu trong lĩnh vực AI liên quan đến chăm sóc sức khỏe đạt 8,5 tỉ USD.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tới năm 2030, các hệ thống y tế áp dụng AI có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chủ động, tức là theo dõi và chẩn đoán các nguy cơ gây bệnh.
Phân tích của AI có thể giúp chúng ta hiểu thêm về các yếu tố gây bệnh trong cuộc sống, từ di truyền, ăn uống, môi trường làm việc, mức độ ô nhiễm không khí tại địa phương... Điều này có nghĩa hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến có thể dự đoán khi nào một người có nguy cơ phát bệnh mãn tính và đề xuất các biện pháp phòng ngừa trước khi bệnh trở nặng.
Theo tạp chí Forbes, Chính phủ Singapore hiện đang sử dụng công nghệ máy học và các thuật toán chuyên sâu giúp quản lý sức khỏe của những người tiền đái tháo đường.
Theo đó, họ khai thác dữ liệu của khoảng 5 triệu công dân để phát hiện sớm những người bị tiền đái tháo đường, sau đó mời họ tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe nhằm giảm đường huyết. Khả năng cá nhân hóa cao này đã rất thành công trong việc làm chậm quá trình phát triển bệnh của những người bị tiền đái tháo đường.
Tương lai của nhân viên y tế
Theo nghiên cứu từ McKinsey, tự động hóa sẽ ảnh hưởng đến việc làm trong hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, chăm sóc sức khỏe là một trong những lĩnh vực có tỉ lệ tự động hóa thấp nhất, chỉ 35% tổng thời gian, tức là chỉ khoảng 35% thời gian làm việc hiện tại của nhân viên chăm sóc y tế có thể được công nghệ làm thay.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính tới năm 2030 tổng nhu cầu nhân viên y tế trên toàn châu Âu sẽ tăng lên 18,2 triệu người, cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ tự động hóa AI có thể đảm đương. Do đó, có thể nói tác động của AI trong lĩnh vực chăm sóc y tế nhìn chung là được nhiều hơn mất và một số công việc sẽ thay đổi.
Máy móc có thể thu thập, xử lý một lượng lớn dữ liệu mà con người phải mất nhiều thời gian để giải quyết, nhưng con người lại có khả năng phán đoán, đồng cảm và óc sáng tạo - những điều vô cùng quan trọng trong quy trình chăm sóc y tế mà máy móc không thể thay thế.
Vì thế, AI sẽ không làm thay công việc của nhân viên y tế mà sẽ giúp xây dựng hệ thống y tế thông minh, giúp bác sĩ làm tốt hơn công việc của họ và cải thiện trải nghiệm sử dụng dịch vụ y tế của người bệnh.