A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

17,6% người lao động không sống cùng con nhỏ vì lương thấp

Khi con cứng cáp, vợ chồng công nhân Nguyễn Trường Văn (tên nhân vật đã thay đổi, thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đã phải gửi về quê nhờ ông bà trông. Bởi lẽ nếu đưa con ra Hà Nội, với tiền lương thấp, phải thuê trọ, vợ chồng anh không biết sẽ xoay xở ra sao.

17,6% người lao động không sống cùng con nhỏ vì lương thấp

Công nhân ở trọ luôn muốn được sống gần con, nhưng do tiền lương còn thấp, nhiều người trong số họ đành phải gửi con về quê. Ảnh: Quế Chi

Con thiếu sự chăm sóc của bố mẹ

Cách đây hơn 11 năm, anh Văn rời Thanh Hóa ra Hà Nội làm công nhân, sau đó lập gia đình rồi sinh con. Khi hết thời gian thai sản, con vừa dứt sữa, cứng cáp hơn, vợ chồng anh Văn quyết định gửi con về quê, nhờ ông bà trông.

“Tôi rất muốn đưa con lên ở cùng nhưng không biết xoay xở thế nào để chăm con, đưa đón con do phải đi làm ca, kíp. Chưa kể chi phí nuôi con ở Hà Nội rất tốn kém, nếu con sống cùng, vợ chồng tôi sẽ rất khó khăn...” - anh Văn giải thích.

Đi làm công nhân 11 năm nay, vợ chồng anh Văn có 10 năm phải xa con. Dù có ông bà trông, nhưng anh vẫn khá lo lắng vì con thiếu vắng sự chăm sóc từ bàn tay của bố mẹ.

“Hằng ngày, vợ chồng tôi không được làm những việc rất bình thường đối với những phụ huynh khác, như đưa đón con, trò chuyện, bảo ban con học hành… Chúng tôi từng nghĩ về quê để được gần con, nhưng nếu về quê thì biết làm gì để kiếm sống...” - nam thanh niên chia sẻ.

Từ đầu năm nay, do công ty ít việc, thu nhập giảm nên anh Văn đành nghỉ việc. Anh tính đi học lấy bằng lái xe ôtô để chạy dịch vụ mưu sinh. Vợ anh vẫn làm công nhân, tuy nhiên, thu nhập không cao. Từ khi nghỉ việc, anh Văn có nhiều thời gian về quê thăm con hơn. Mỗi tháng, anh về quê khoảng 2 lần.

“Vợ chồng tôi thường gọi con qua video để cháu có thể tâm sự, gắn kết hơn với bố mẹ. Tuy nhiên, không biết là do đã lớn hoặc sống xa bố mẹ, nên cháu ít nói chuyện với bố mẹ” - anh Văn nói, giọng buồn buồn. Con đầu đã lớn, nhưng vợ chồng anh chưa dám nghĩ đến việc sinh con thứ 2.

Giống với anh Văn, vợ chồng anh Chu Văn Toàn (công nhân khu công nghiệp Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cũng phải gửi hai con về quê ở Lạng Sơn nhờ ông bà trông, chăm sóc. Cả năm đi làm, anh chị chỉ có vài dịp nghỉ lễ dài ngày mới có thể về quê chăm con.

“Nhiều khi chỉ muốn được về hẳn quê, nhưng nếu vậy, dù được gần các con, nhưng sẽ rất khó kiếm công việc có thu nhập ổn định để nuôi các con” - nam công nhân tâm sự.

Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới quyết định sinh con của NLĐ

Khảo sát năm 2023 của Viện Công nhân và Công đoàn với gần 3.000 công nhân cho kết quả tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định sinh con của 72,0% người lao động.

Tiền lương cũng là lý do con cái không ở cùng cha mẹ: 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp.

Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, để có điều kiện gửi con ở các trường học tư có chất lượng, an toàn, công nhân phải được đảm bảo mức lương đủ sống, được cập nhật và điều chỉnh phù hợp với điều kiện và tình hình đời sống cụ thể ở khu vực.

Bà Lan thông tin, đầu năm 2024, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã họp chuyên gia về chính sách tiền lương và đi đến kết luận các quốc gia cần thúc đẩy mức lương đủ sống.

Kết luận của ILO nêu: “Thúc đẩy quá trình tăng dần từ mức lương tối thiểu lên mức lương đủ sống”.

Theo bà Lan, lương tối thiểu cần phải đảm bảo chi trả đủ nhu cầu học tối thiểu của con em người lao động, xét theo bối cảnh tình hình nhu cầu trường mầm non, mẫu giáo trên cả nước hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội