Trồng chuối để xuất khẩu hay để nuôi heo khi 2/3 sản lượng chuối dùng cho heo ăn: Hoàng Anh Gia Lai nói gì?
Việc tỷ trọng chuối HAGL dùng cho chăn nuôi heo tăng 3 tháng trở lại đây, (tháng 8-9 tỷ trọng hơn 50%, sang tháng 10 lên đến 71%), dấy lên câu hỏi: "HAGL đang trồng chuối để xuất khẩu hay để nuôi heo?"
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) vừa công bố kết quả kinh doanh 10/2022 với doanh thu 467 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 107 tỷ đồng. Con số trên có được trong bối cảnh giá xuất khẩu chuối chưa tăng cao như kỳ vọng, giá heo thấp hơn so với tháng trước.
Trong kỳ, HAGL đã tiêu thụ được 36.644 con heo thịt, 39.274 tấn cây ăn trái. Đáng chú ý, riêng chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc đạt 27.867 tấn. Tương ứng, hơn 2/3 tấn chuối HAGL đã tiêu thụ trong tháng 10 là để phục vụ nuôi "heo ăn chuối" , còn lại là chuối xuất khẩu.
3 tháng gần đây, lượng chuối dùng để nuôi heo tăng mạnh và lớn hơn cả lượng chuối xuất khẩu. Tháng 8 và tháng 9, tỷ trọng chuối nuôi heo vượt 50%. Điều này làm dấy lên câu hỏi: “HAGL đang trồng chuối để xuất khẩu hay để nuôi heo?"
Trao đổi với chúng tôi, phía HAGL xác nhận tỷ trọng chuối thải đang tăng thời gian gần đây . Nguyên nhân do các tháng vừa rồi rơi vào tháng mưa bão, chuối bị dập nhiều hơn dẫn đến bị loại bỏ nhiều hơn. Cần nhấn mạnh, chuối xuất khẩu phải đạt những tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng, kích thước, màu sắc, bề ngoài… của nước sở tại, đặc biệt với các quốc gia khó tính như Nhật Bản.
“Dự kiến tháng 11 đến nay tình hình này còn diễn ra, tức chuối dùng cho chăn nuôi cao. Tuy nhiên, vào khoáng 12, tháng 1 năm sau thì tỷ trọng sẽ về mức như trước”, đại diện HAGL cho biết thêm.
Được biết, tận dụng hàng trăm tấn chuối thải mỗi năm để làm thức ăn và chăn nuôi heo, con số tỷ trọng chuối dùng cho chăn nuôi/tổng sản lượng của HAGL 5 tháng đầu năm chỉ vào khoảng 14%. Sang tháng cao điểm tăng tổng đàn heo, tỷ trọng này dao động quanh mức 36% tổng sản lượng chuối hàng tháng của Công ty.
Riêng về chuối, giá chuối dự kiến cuối năm sẽ tăng cao, rơi vào mức 13-14 USD/thùng. Tính đến hiện tại, giá chuối bắt đầu tăng dần và đang ở mức 10 USD/thùng.
Luỹ kế 10 tháng 2022, HAGL ghi nhận doanh thu 3.650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chính thức vượt mức nghìn tỷ đồng, đạt 1.001 tỷ. Năm 2022, HAGL đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.820 tỷ đồng, LNST đạt 1.120 tỷ đồng. Như vậy sau 10 tháng, HAGL đã đạt lần lượt 76% và 89% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm.
Bên cạnh trồng chuối xuất và nuôi heo, HAGL cũng đã “bước chân” vào thị trường thịt thương hiệu với dòng Heo ăn chuối Bapi và Gà đi bộ ăn chuối Marathon. Hiện, các sản phẩm này đang được bán tại cửa hàng BapiMart (Đà Nẵng) và BapiFood (Tp.HCM, Hà Nội).
Ngoài thịt heo ăn chuối, gà đi bộ ăn chuối, dự kiến tháng 11 này HAGL còn ra mắt sản phẩm thịt bò Mông (nguồn bò do bà con dân tộc Mông nuôi ở độ cao trên 1.000m).
Kế hoạch đến cuối năm 2022 HAGL sẽ mở khoảng 200 cửa hàng, và tăng lên 1.000 cửa hàng BapiFood đến cuối năm 2023 (bao gồm mô hình nhượng quyền), với 60-70% tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM.
Mới đây, HAGL cũng vừa bắt tay chiến lược với chuỗi siêu thị Fresh Market. Theo đó hai bên sẽ đưa các sản phẩm thịt heo ăn chuối, gà chạy bộ, sau đó là một số loại trái cây vào bán trên toàn hệ thống siêu thị. Tính đến tháng 10/2022, Fresh Market đã có 20 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội. Với mục tiêu mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh, đến hết năm 2027 Fresh Market sẽ phủ sóng toàn Thủ đô với 1.500 cửa hàng.
Ngoài ra, Fresh Market còn sắp ra mắt chuỗi nhà hàng tiện lợi Piti Deli tại các toà nhà văn phòng vào cuối năm nay, mục tiêu 1.200 nhà hàng và nguồn cung thực phẩm có Bapi HAGL.
Về phần mình, HAGL đang xúc tiến hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy giết mổ thịt gà tại Gia Lai, công suất khoảng 1.200-1.500 con/giờ, tương đương 14 triệu con/năm.
Năm 2023, tập đoàn đặt mục tiêu 1 triệu con heo ăn chuối và 10 triệu con gà đi bộ ăn chuối. Công ty hướng đến xây dựng nhà máy chế biến thịt, tham vọng trở thành một thế lực mới trên thị trường thịt thương hiệu (trị giá khoảng 10 tỷ USD theo một báo cáo gần đây).
Tri Túc
Nhịp sống thị trường