Tình hình kinh doanh đơn vị sở hữu chuỗi Tokyo Deli sau 2 năm Covid
Trong 3 năm qua, biên lãi gộp của Thực phẩm Tân Việt Nhật liên tục đi xuống từ 27% năm 2019 xuống còn 23% năm 2021.
Công ty TNHH Thực phẩm Tân Việt Nhật được hình thành trên sự hợp tác chặt chẽ giữa công ty Okamura Foods - doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nuôi, chế biến và phân phối các sản phẩm thuỷ hải sản tại Nhật Bản và Châu Âu và CTCP Thực phẩm Trung Sơn - đơn vị có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu hải sản cao cấp cho thị trường Nhật Bản.
Đơn vị được thành lập vào tháng 12/2008, đăng ký trụ sở tại quận 1, TP HCM. Ông Ngô Thanh Hậu là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ngành nghề kinh doanh chính của Thực phẩm Tân Việt Nhật là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động. Công ty cũng đăng ký thêm một số ngành nghề liên quan đến thực phẩm như sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn; bán buôn thực phẩm; bán buôn đồ uống; dịch vụ đóng gói.
Thực phẩm Tân Việt Nhật chính là chủ chuỗi nhà hàng Tokyo Deli - thương hiệu quen thuộc về ẩm thực Nhật Bản tại Việt Nam. Các chuỗi cửa hàng khác cũng kinh doanh ẩm thực Nhật Bản gồm Isushi và Daruma (của Golden Gate), Sushikei (của Redsun ITI). Trong khi Tokyo Deli phục vụ theo hình thức gọi món, thì iSushi, Sushikei hay Daruma mang đến cho thực khách cả 2 trải nghiệm gọi món và ăn buffet. Đối tượng khách hàng các chuỗi này nhắm tới thường là bạn bè, cặp đôi, hoặc gia đình, với chi tiêu trung bình ở mức 300.000 - 500.000 đồng/người.
Thực phẩm Tân Việt Nhật mở nhà hàng Tokyo Deli đầu tiên tại Phú Mỹ Hưng, TP HCM vào năm 2007. Trước khi Covid-19 ập đến, hệ thống có tổng cộng 20 chi nhánh, gồm 15 chi nhánh tại TP HCM và 5 chi nhánh tại Hà Nội. Khi dịch Covid-19 bùng nổ vào năm 2020, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế chịu tác động tiêu cực và một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là kinh doanh chuỗi nhà hàng. Trong năm 2020, Tokyo Deli thông báo đóng cửa 2 trên 5 cơ sở ở Hà Nội, gồm nhà hàng tại Ngụy Như Kon Tum và D2 Giảng Võ. Đến nay, hệ thống này hiện còn lại 2 nhà hàng ở Hà Nội và 12 địa điểm tại TP HCM.
Hình ảnh 1 cửa hàng Tokyo Deli.
Kinh doanh thua lỗ từ khi Covid-19 bùng phát
Trong 3 năm qua, biên lãi gộp của Thực phẩm Tân Việt Nhật liên tục đi xuống từ 27% năm 2019 xuống còn 23% năm 2021. Theo dữ liệu Người Đồng Hành có được, lần gần nhất đơn vị này ghi nhận lợi nhuận là năm 2019 trước khi Covid-19 xuất hiện. Tại thời điểm đó, ông chủ chuỗi Tokyo Deli thu về 188 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 3 tỷ đồng lãi sau thuế. Ghi nhận doanh thu trăm tỷ đồng, song lợi nhuận mà ông chủ chuỗi Tokyo Deli thu về khá mỏng vì giá vốn hàng bán luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu với mức trên 70%. Đây cũng chính là điểm khác biệt trong cấu trúc giá vốn của Tân Việt Nhật với một số chuỗi bán lẻ khác ví dụ như Golden Gate bởi đơn vị này thường có biên lãi gộp cao với giá vốn hàng bán để ở mức thấp, trong khi chi phí bán hàng (phí nhân công, thuê cửa hàng, quảng cáo...) thường ở mức cao.
Năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện khiến doanh thu của Thực phẩm Tân Việt Nhật giảm 28%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán ít hơn nên lợi nhuận gộp giảm từ 50,5 tỷ đồng xuống 34,6 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí vận hành cao hơn lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ với tổng giá trị 42,8 tỷ đồng, gồm chi phí bán hàng 26,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 16,2 tỷ đồng. Kết quả, trong năm Covid đầu tiên, đơn vị gánh khoản lỗ sau thuế 8 tỷ đồng.
Sang đến năm 2021, Thực phẩm Tân Việt Nhật tiếp tục lỗ 11 tỷ đồng, kéo lỗ lũy kế lên hơn 53 tỷ đồng. Nguồn thu từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ tiếp tục giảm mạnh từ 135,6 tỷ đồng xuống 92,7 tỷ đồng, tương đương mức giảm 32%. Giá vốn hàng bán chiếm 77% doanh thu thuần. Theo đó lợi nhuận gộp còn 21,5 tỷ đồng (giảm 38%). Các chi phí hoạt động như phí thuê mặt bằng, trang thiết bị, nhân công và vận hành vẫn lớn với tổng trị giá 32,3 tỷ đồng. Kết quả, sau khi trừ các loại chi phí, lỗ sau thuế tăng 35% so với kết quả năm 2020.
Đơn vị: Tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản là 52,2 tỷ đồng, giảm 14,6% so với cùng kỳ. Tài sản dài hạn chiếm 67,7% cơ cấu tài sản với 35,3 tỷ đồng. Trong đó 20 tỷ đồng được dành ra để đầu tư vào công ty con. Tài sản cố định giảm 36% còn 9,6 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn giảm 5,7% xuống 5 tỷ đồng.
Về tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn 17% xuống 6,2 tỷ đồng. trong đó đơn vị không còn 3 tỷ đồng các khoản tương đương tiền, trong khi gia tăng 38% lượng tiền mặt từ 6,2 tỷ đồng lên 7,5 tỷ đồng. Trong năm qua, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 14,3% lên 5,4 tỷ đồng với phần lớn là phải thu nội bộ ngắn hạn là 3,3 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho đi ngang quanh mức 4 tỷ đồng.
Trong 3 năm qua, hơn nửa giá trị nguồn vốn của ông chủ Tokyo Deli là nợ phải trả. Năm 2021, nợ phải trả chiếm 68% tổng nguồn vốn với 35,4 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là vay và nợ thuê tài chính dài hạn với 25,7 tỷ đồng. Đơn vị không có nợ vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 1,5 lần.
Vốn chủ sở hữu cũng trên đà đi xuống do đơn vị tiếp tục kinh doanh thua lỗ, với giá trị tại thời điểm cuối năm ngoái là 16,8 tỷ đồng, giảm gần 39% so với mức 27,5 tỷ đồng năm trước. Vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 70 tỷ đồng.