A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thương hiệu bia Sài Gòn 150 năm ai cũng biết nhưng lại bị tranh cãi về độ nổi tiếng

Nguồn gốc thương hiệu bia xuất phát từ một xưởng sản xuất của Pháp. Sau hơn một thế kỷ, thương hiệu bia này trở thành niềm tự hào, thức uống quen thuộc của người dân TP HCM.

Hồi đầu tháng 3, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với pháp nhân thương mại Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung (SN 1967, ngụ TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam).

Ông Trung từng làm việc nhiều năm tại Tổng Công ty CP Bia Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Sau khi nghỉ việc, tháng 5/2019, ông Trung thành lập Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (gọi tắt là Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam, trụ sở chính tại 264 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh) gồm 3 cổ đông. Ông Trung góp vốn 70%, bà Trần Thị Ái Loan cùng 1 người khác mỗi người góp 15% vốn.

Dù chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bia Saigon Vietnam”, nhưng ông Lê Đình Trung vẫn nhân danh công ty tiến hành thỏa thuận các nội dung cơ bản để bà Trần Thị Ái Loan (người đại diện theo pháp luật của công ty thời điểm đó) ký hợp đồng hợp tác sản xuất và mua bán hàng hóa với ông V. (chủ cơ sở sản xuất bia ở TP Bà Rịa) về việc sản xuất sản phẩm “Bia Saigon Vietnam” với quy mô lớn, bán ra thị trường.

Thương hiệu bia Sài Gòn 150 năm ai cũng biết nhưng lại bị tranh cãi về độ nổi tiếng - Ảnh 1.

"Bia Saigon là nhãn hiệu nổi tiếng của SABECO”, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết.

Tại phiên tòa, chủ tọa, đại diện viện kiểm sát và các luật sư bào chữa cho bị cáo đã tập trung làm rõ việc Bia Saigon có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng không cần thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng. Thực tế cũng chưa có thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng. Nhãn hiệu nổi tiếng là dựa vào quá trình sử dụng, được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Trước đó, trong văn bản trả lời tòa, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng Bia Saigon đủ điều kiện công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng chứ không khẳng định Bia Saigon là nhãn hiệu nổi tiếng. Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng pháp luật không có quy định cụ thể công nhận nhãn hiệu nổi tiếng bằng hình thức văn bản, chứng nhận nào.

“Tự bản thân nhãn hiệu nổi tiếng chứ không có văn bản nào chứng nhận. Và theo tôi, Bia Saigon là nhãn hiệu nổi tiếng của SABECO”, vị đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định.

Bia Sài Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng của SABECO

Thương hiệu Bia Saigon, thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - SABECO, đã in đậm trong tâm trí của hàng triệu người tiêu dùng qua nhiều thế hệ, trở thành một đặc sản tinh thần trong văn hóa, ẩm thực Việt Nam. SABECO đã trải qua 145 năm lịch sử nguồn gốc, 43 năm xây dựng và phát triển thương hiệu.

Từ các thương hiệu chủ lực như: Bia 333, Bia Saigon Lager, danh mục sản phẩm của SABECO đã mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác với cải tiến về chất lượng và bao bì như: Bia Lạc Việt, Bia Saigon Special, Bia Saigon Chill, Bia Saigon Gold, hay Bia Saigon vị cà phê.

Bia Saigon nhiều năm được bình chọn là Thương hiệu quốc gia, cùng các giải thưởng từ các tổ chức uy tín quốc tế: Huy chương vàng Giải thưởng Bia Quốc tế (IBA) 2019, giải Vàng, Bạc, Đồng tại Cúp Bia quốc tế 2019 (IBC), giải Vàng, Bạc tại Giải thưởng Bia quốc tế tại Úc 2020 (AIBA), huy chương Vàng, Bạc tại giải thưởng Monde Selection 2021.

Gần đây, Saigon Chill nhận huy chương vàng ở hạng mục Bia Lager Quốc tế; Saigon Lager được vinh danh về chất lượng với giải “Hội đồng đánh giá” tại Giải vô địch bia Châu Á (Asia Beer Championship) 2022.

Thương hiệu bia Sài Gòn 150 năm ai cũng biết nhưng lại bị tranh cãi về độ nổi tiếng - Ảnh 2.

Công ty Bia Sài Gòn trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 - TP HCM.

Quay về lịch sử, Nhà máy Bia Sài Gòn Nguyễn Chí Thanh khởi đầu là một phân xưởng bia nhỏ do ông Victor Larue, một tư bản người Pháp, lập ra từ năm 1875. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà máy được công ty Rượu Bia miền Nam quản lý và đổi tên thành Nhà máy Bia Saigon vào năm 1977.

Vào ngày 1/6/1977, Công ty Rượu Bia Miền Nam chính thức tiếp nhận và quản lý Nhà máy Bia Chợ Lớn từ hãng BGI và hình thành nên Nhà máy Bia Sài Gòn . Năm 1988, Nhà máy Bia Sài Gòn trở thành đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Rượu Bia Nước giải khát II.

Giai đoạn 1989 - 1993, bia Sài Gòn xây dựng được hệ thống tiêu thụ với 20 chi nhánh trên cả nước. Từ năm 1992, với uy tín trong nước, sản phẩm bia Sài Gòn đã vươn ra thị trường quốc tế với trên 15 quốc gia, trong đó chinh phục các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU, Singapore, Hồng Kông…

Thương hiệu bia Sài Gòn 150 năm ai cũng biết nhưng lại bị tranh cãi về độ nổi tiếng - Ảnh 3.

Trong năm 2022, SABECO báo lãi sau thuế đạt 1.076 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ (1.400 tỷ đồng).

Năm 1993, Nhà máy Bia Sài Gòn đổi tên thành Công ty Bia Sài Gòn. Vào năm 2000, Công ty Bia Sài Gòn là doanh nghiệp sản xuất bia đầu tiên của Việt Nam đạt và vượt mốc sản lượng 200 triệu lít/năm và trở thành doanh nghiệp sản xuất bia có quy mô lớn nhất cả nước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, SABECO (HoSE: SAB) ghi nhận doanh thu đạt hơn 10.029 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021 (9.090 tỷ đồng); lợi nhuận gộp đạt 2.814 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ (2.492 tỷ đồng); doanh thu tài chính tăng 24% từ 262 tỷ lên 324 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế đạt 1.076 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ (1.400 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của SABECO đạt 35.235 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021 (26.578 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt gần 5.500 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 3.929 tỷ đồng). Theo SAB, trong năm 2022, kết quả kinh doanh của SAB đã được cải thiện và cao hơn năm ngoái khi các hoạt động du lịch, dịch vụ đã được mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội