So găng lợi nhuận 3 công ty tài chính lớn FE Credit, HD Saison và MCredit
Trong đó, một công ty tài chính báo lãi năm 2022 cao gấp 2 lần năm 2021.
FE Credit
Từ "ông vua" trên thị trường tài chính tiêu dùng với thị phần cho vay lớn nhất, lợi nhuận cao nhất, FE Credit tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong những năm gần đây, và thậm chí ghi nhận khoản lỗ trong năm 2022 vừa qua.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán VCBS cho biết, năm 2022, FE Credit ghi nhận lỗ 3.121 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc nợ xấu tăng nhanh. Cụ thể tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính này cuối quý 4/2022 là 21,8%, cao hơn nhiều so với mức 14,1% cuối năm 2021.
"Việc số dư cho vay của FE Credit mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước đây và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác", báo cáo của VCBS nhận định. Theo đó, FE Credit đã tăng mạnh dự phòng rủi ro 20% so với cùng kỳ, lên 13.681 tỷ đồng trong năm 2022.
Bộ phận phân tích Chứng khoán VNDirect cũng ước tính, FE Credit ghi nhận khoản lỗ trước thuế khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2022. Nguyên nhân là điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm khách hàng thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính của FE Credit. Theo VNDirect, năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FE Credit và dự báo có thể tiếp tục lỗ trong năm nay, trước khi quay trở lại có lãi vào năm 2024.
Trước đó, trong năm 2021, FE Credit báo lãi trước thuế hơn 600 tỷ đồng, để mất ngôi "quán quân" lợi nhuận mà công ty tài chính này đã duy trì liên tục trong nhiều năm liền. Ở thời kỳ "hoàng kim", FE Credit có năm báo lãi tới hơn 3.700 tỷ đồng.
FE Credit tiền thân là Khối Tín dụng tiêu dùng thuộc VPBank. Năm 2015, VPBank chuyển hoạt động Tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (được nhận diện với thương hiệu FE Credit). Năm 2021, VPBank bán 49% vốn FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản. Hiện FE Credit vẫn là công ty tài chính có quy mô cho vay lớn nhất trên thị trường tín dụng tiêu dùng, với dư nợ cuối năm 2022 trên 75 nghìn tỷ đồng.
HD Saison
HD Saison tiền thân có tên gọi tắt là SGVF, thuộc sở hữu của Ngân hàng Société Générale đến từ Cộng Hòa Pháp. Sau đó, HDBank mua lại 100% vốn chủ sở hữu, SGVF đổi tên thành HDFinance. Đến tháng 3/2015, Credit Saison (Nhật Bản) đầu tư vào HDFinance, nắm giữ 49% vốn điều lệ và HDFinance sau được đổi tên thành HD Saison như hiện nay.
Trong khi FE Credit là công ty tài chính có thị phần cho vay tiền mặt lớn nhất thì HD Saison lại đang sở hữu lợi thế ở mảng cho vay mua xe máy. Theo thông tin của HDBank, thị phần cho vay xe máy của HD Saison năm 2022 là 41%, tăng so với mức 34% của năm 2021 và cao nhất thị trường. Với sự đóng góp của công ty con này, HDBank và hệ sinh thái của họ năm 2022 đã phục vụ tới 14 triệu lượt khách hàng.
Từ năm 2020 đến nay, mặc dù thị trường tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, HD Saison vẫn duy trì hoạt động kinh doanh khá tích cực. Cuối năm 2022, tổng tài sản của HD Saison đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,8% so với năm 2021. Dư nợ cho vay của công ty tài chính này đạt 16.839 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 1.152 tỷ, cao nhất từ trước đến nay và đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp có lãi trên 1.000 tỷ. Kết quả khả quan này đến từ việc công ty kiểm soát chi phí ngày một tốt hơn. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động) của HD Saison giảm mạnh từ 50,6% (2021) xuống 44% (2021) và còn 38,2% (2022).
Ngoài ra, chất lượng tài sản của HD Saison cũng được duy trì tốt so với mặt bằng chung thị trường tín dụng tiêu dùng. Tỷ lệ nợ xấu của HD Saison năm 2022 giảm so với năm 2021. ROAA và ROAE lần lượt đạt 5,8% và 24,2%, đều cải thiện so với năm 2021.
MCredit
Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (MCredit) thành lập năm 2016, muộn hơn so với FE Credit và HD Saison. Đây là Công ty tài chính liên doanh giữa ngân hàng MB và ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản), mỗi bên sở hữu 50% vốn công ty này.
Năm 2022, doanh thu của MCredit đạt 5.687 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế lên tới 1.201 tỷ, tăng 100% so với cùng kỳ. MB cho biết, nhờ tăng trưởng năm qua, MCredit đã đạt TOP 3 thị trường về dư nợ cho vay. Theo báo cáo tài chính của MB, dư nợ cho vay của MCredit cuối năm 2022 đạt khoảng 25.000 tỷ đồng.
Minh Vy
Nhịp sống thị trường