A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ROX Group: Hành trình 3 thập kỷ khởi đầu từ khu chợ ở Moskva

Luôn dấn thân và nắm bắt cơ hội, vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã gieo những “hạt giống” đầu tiên cho ROX Group.

image-extractword-2-out-2971-1-2211-5372-1732674601.png

Tòa tháp trụ sở của ROX Group. Ảnh: ROX Group

ROX Group - tiền thân là TNG Holdings Việt Nam được biết đến là một tập đoàn đầu tư đa ngành bao gồm các lĩnh vực phát triển đô thị và khu công nghiệp, dịch vụ, tài chính.

Các doanh nghiệp ROX Group quản lý điều hành đã ghi nhiều dấu ấn trên thị trường với đa dạng các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ khác nhau, hoạt động rộng khắp ở hầu hết các tỉnh thành lớn của cả nước.

Tin vào những ước mơ

Công ty Cổ phần Tập đoàn ROX (ROX Group) chính thức đổi tên từ TNG Holdings Vietnam vào ngày 27/1/2024. Lý do của việc thay đổi này, theo đại diện ROX Group, do tên TNG không đăng ký được bảo hộ thương hiệu ở những lĩnh vực chính đang đầu tư, kể cả trong nước và quốc tế

Cùng với việc ra mắt thương hiệu ROX Group là đồng loạt triển khai chiến lược thương hiệu mới cho các đơn vị thành viên, trong đó Công ty Cổ phần TNG Realty (TNG Realty) chính thức công bố đổi tên thành Công ty Cổ phần ROX Living (ROX Living); TNCons Vietnam thành ROX Cons Vietnam; TNG Asset thành ROX Asset; TNG Capital thành ROX Capital…

ROX Group hiện có quy mô trên 33.000 tỷ đồng, hơn 400 dự án, 11 đơn vị thành viên, gần 4.000 cán bộ nhân viên, 7 lĩnh vực kinh doanh bao gồm phát triển đô thị và khu công nghiệp, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, năng lượng, dịch vụ và quản lý vận hành, xây dựng, công nghệ, đầu tư tài chính.

ROX Group tham gia vào thị trường từ năm 1996, được dẫn dắt bởi vợ chồng doanh nhân bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trần Anh Tuấn. Họ là cặp đôi nằm trong số các doanh nhân trở về từ Đông Âu như Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Vingroup, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan hay ông chủ Tập đoàn Sun Group Lê Viết Lam…

Bà Hường từng kể, thời điểm mới đặt chân đến xứ sở bạch dương, bà cũng như nhiều du học sinh khác khi đó, chỉ có ước mơ duy nhất là khi trở về được biên chế vào làm việc cho một cơ quan nhà nước, hay được giảng dạy ở một trường đại học nào đó, sống bình dị như bao người khác.

Đến năm 1991, nền kinh tế Nga gặp biến động lớn. Nhiều người dân Nga chỉ sau một đêm rơi vào cảnh vô cùng khó khăn, thu nhập không đủ sống. Còn với du học sinh, số tiền học bổng được cấp mỗi tháng chỉ đủ tiêu trong một nửa thời gian. Vì vậy, nếu lựa chọn ở lại để tiếp tục học tập và tốt nghiệp tại Nga đồng nghĩa với việc phải tìm cách để tự kiếm tiền, trang trải cuộc sống.

Có một điều may mắn, nhờ tình hữu nghị giữa hai quốc gia, nước Nga vẫn tạo điều kiện cho nhiều người Việt Nam sang lao động, học tập, làm việc ở đầu những năm 90. Cộng đồng người Việt được hình thành, và không ít người đã tìm thấy cơ hội kinh doanh khi tại đây xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu, lương thực, hàng hoá… trầm trọng

Trước cơ hội đó, vợ chồng bà Nguyệt Hường bắt tay đầu tư chuyển đổi một sân vận động tại thủ đô Moskva thành một khu chợ, với mong muốn để người Việt tại Nga đến kinh doanh tập trung

Tuần đầu tiên chợ khai trương, vắng tanh không một bóng người. Nảy ra một ý tưởng táo bạo, bà Nguyệt Hường trực tiếp đi kêu gọi từng cá nhân, cứ mỗi người đến chợ buôn bán, sẽ được tặng thêm vài chục USD, kể cả không bán được hàng. Chỉ một tháng sau, tiểu thương bao gồm cả người Việt, người Nga đã thay nhau xếp hàng mua vé vào chợ.

“Kỷ niệm khởi nghiệp tại Nga trong giai đoạn gian khó giúp tôi hiểu rằng khi bước chân ra khỏi gia đình, bài học đầu tiên học được đó là sự chủ động, linh hoạt trong cuộc sống. Có nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân mỗi người. Và hơn hết, đó là bản lĩnh, có lòng tin vào chính mình, tin vào những ước mơ để nhìn thấy hào quang phía trước”, bà Hường nói.

Năm 1996, quyết định quay trở về nước, hai vợ chồng bà Nguyệt Hường thành lập Công ty Cổ phần Nam Thắng. Vào thời điểm bấy giờ, Nam Thắng là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Hà Nội với quy mô khoảng 1.000 lao động, có lúc lên đến 2.000 người

Cả hai vợ chồng doanh nhân này đều thừa nhận đây không phải là lĩnh vực mà họ có chuyên môn, nhưng vì sao lại chọn vào sản xuất giày? Ông Tuấn cho biết, lúc đó chọn ngành sản xuất giày bởi có thể tạo được công ăn việc làm cho nhiều người. Hơn nữa, da giày vào thời điểm đó là ngành Việt Nam có nhiều lợi thế về xuất khẩu bởi nguồn nhân công dồi dào.

Khi nhà máy giày Nam Thắng chuẩn bị mở rộng mô hình hoạt động với 4 dây chuyền sản xuất và chuyển địa điểm về Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên), cũng là thời điểm Tập đoàn xe máy Lifan tìm kiếm nhà máy tại miền Bắc và đặt vấn đề thuê mặt bằng tại khu công nghiệp

“Đó vừa là cơ duyên, vừa là một cơ hội để chúng tôi nắm bắt, mở rộng đầu tư vào mảng bất động sản công nghiệp. Thương vụ đó càng có ý nghĩa hơn khi Lifan là cụm công nghiệp đầu tiên được đưa khai thác hiệu quả và đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh Hưng Yên, nhất là trong bối cảnh, địa phương này vừa được tách tỉnh, ngân sách chỉ có 70 tỷ đồng”, bà Hường kể.

Mối lương duyên bất ngờ này đã là động lực thúc đẩy Nam Thắng đẩy mạnh vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Tới năm 2004, Công ty Cổ phần Nam Thắng tuyên bố dừng hoạt động và chính thức chuyển sang lĩnh vực mới - bất động sản khu công nghiệp, với cái tên VID Group.

rox-group-hanh-trinh-3-thap-ky-khoi-dau-tu-khu-cho-o-moskva_674d723f81f01.png

Các lĩnh vực kinh doanh của ROX Group.

Năm 2016, sau khi tái cơ cấu, VID Group trở thành công ty thành viên của Tập đoàn TNG và đổi tên thành TNI Holdings Vietnam (nay là ROX iPark).

Với xuất phát điểm là một doanh nghiệp sản xuất, rẽ lối khai phá mảng miếng mới, đến nay, ROX iPark là đơn vị thành viên tiên phong của ROX Group, đầu tư và khai thác 14 khu công nghiệp với khoảng 3.000 ha diện tích đất khu công nghiệp trên cả nước, thu hút hơn 500 nhà đầu tư đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ

Từ một khu công nghiệp đầu tiên tại Hà Nội, ROX iPark đã mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên… Các khu công nghiệp lần lượt nối đuôi nhau ra đời với quy mô ngày càng mở rộng như Hà Nội - Đài Tư (41 ha), Nam Sách (62 ha); Phúc Điền (82 ha); Tân Trường (198 ha); Quang Minh (344 ha), Đồng Văn 2 (323 ha), Bỉm Sơn A (163 ha)…

Hệ sinh thái bền chặt

Năm 2014, VID Group chuyển đổi mô hình quản trị thành TNG Holdings Vietnam và mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản nhà ở với việc thành lập TNR Holdings Vietnam và đầu tư xây dựng dự án đầu tay tại Hà Nội - TNR Goldmark City.

Sau đó một năm, TNR tiếp tục khởi công đồng loạt các dự án TNR Goldseason, TNR Goldsilk Complex tại Hà Nội và TNR The Goldview tại TP.HCM.

TNR Holdings trong những năm gần đây cũng đã mạnh tay mua gom hàng chục dự án bất động sản lớn nhỏ từ Nam ra Bắc... Đến nay, doanh nghiệp này hiện sở hữu tới gần 300 dự án bất động sản trải dài khắp cả nước.

Song song với mảng bất động sản công nghiệp và nhà ở, từ năm 2007, ROX đã đi vào lĩnh vực đầu tư tài chính. Đây là một trong những mũi nhọn kinh doanh của tập đoàn, và Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) trở thành đối tác tài chính quan trọng.

Tại MSB, từ sau khi ông Trần Anh Tuấn trở thành Chủ tịch HĐQT, ngân hàng này liên tục chuyển mình như thay đổi nhận diện thương hiệu và tên viết tắt từ Maritime Bank sang MSB, niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE.

Ngoài bất động sản hay tài chính, ROX Group còn mở rộng ra các lĩnh vực khác như dịch vụ, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, năng lượng, nông nghiệp...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội