Him Lam chính thức "nhảy vào" công ty hàng không, ông Dương Công Minh đi theo con đường của tỷ phú Phương Thảo?
CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam vừa mua vào 7,6% vốn điều lệ của SASG. Tại đây, Vietjet đang nắm 9,11%.
Ngày 1/6/2023, CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam đã mua vào gần 2,6 triệu cổ phiếu SGN của Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SASG), nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% vốn lên 7,6% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn tại đây.
Dấu ấn mới của Him Lam trong ngành hàng không, sau “mối duyên” với Bamboo Airways
Trước khi trở thành cổ đông lớn của SGN và đặt dấu ấn mới trong lĩnh vực hàng không, cái tên Him Lam đã được biết đến trong ngành này khi gắn với Bamboo Airways, dù không trực tiếp nắm cổ phần.
Ông Dương Công Minh – Nhà sáng lập của Him Lam – đã trở thành Cố vấn cấp cao HĐQT Bamboo Airways kể từ tháng 8/2022. Trong khi đó, một cuộc phỏng vấn Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân từng cho biết vào thời điểm cam go nhất, CTCP Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, xuất hiện trong một văn bản chính thức được gửi bởi ông Lê Thái Sâm - Thành viên Hội đồng quản trị của FLC đến ĐHCĐ bất thường của Bamboo Airways hồi tháng 5, thì ông này đã cho Bamboo Airways vay 7.727,8 tỉ đồng (bao gồm cả gốc và lãi).
Con số 7.727,8 tỷ đồng mà ông Lê Thái Sâm cho Bamboo Airways vay tương đương với số tiền mà Tập đoàn Him Lam đã cho hãng hàng không này vay.
Với phương án tăng vốn điều lệ là phát hành 772 triệu cổ phần cho các chủ nợ để hoán đổi nợ thành cổ phần, đồng thời nhận chuyển nhượng cổ phần từ ông Trịnh Văn Quyết và FLC, ông Lê Thái Sâm dự kiến nắm hơn 1,4 tỷ cổ phần, tương đương 46,8% vốn cổ phần ở Bamboo Airways.
Con đường tương tự tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo?
Theo cơ cấu cổ đông của SASG cuối quý 1/2023, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (mã: ACV) là cổ đông lớn nhất với hơn 16,1 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 48,03% vốn.
3 cổ đông lớn còn lại bao gồm CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMP Corp) với gần 2,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,61%; SSI nắm 7,61% và Vietjet Air nắm 9,11% (do ông Lưu Đức Khánh đại diện).
Vietjet Air lần đầu mua 4% SASG vào năm 2014 khi công ty này đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO và chính thức sở hữu 9,11% vốn cổ phần của SGN vào tháng 7/2019 sau khi mua thêm cổ phần từ CTCP Đầu tư khai thác Cảng.
Số cổ phần SGN mà Him Lam mua vào lần này cũng đúng bằng số cổ phần của Đầu tư khai thác Cảng tại thời điểm cuối quý 1.
Hoạt động tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn cung cấp các dịch vụ hàng không bao gồm dịch vụ thủ tục hàng không, hành lý, kỹ thuật sân đỗ máy bay và các dịch vụ phi hàng không như huấn luyện, đào tạo chuyên ngành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị chuyên ngành, công nghệ thông tin chuyên ngành…
Trong một đoạn của chuỗi cung ứng dịch vụ hàng không từ cảng hàng không – Dịch vụ hàng không – vận tải hàng không cho đến các đại lý vận chuyển, thì vận tải hàng không đóng vai trò quan trọng nhất và là động lực phát triển của ngành. Tuy nhiên, Cảng hàng không là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp cơ sở hạ tầng cho hầu hết hoạt động trong chuỗi giá trị ngành, mà nếu không có, các doanh nghiệp vận tải cũng không thể hoạt động.
Tại Việt Nam, Tổng công ty cảng hàng không nắm cổ phần lớn tại các công ty thành viên là các công ty phục vụ mặt đất, thông qua các doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ cho các đơn vị khác trong chuỗi giá trị.
Chính vì thế, việc một hãng bay như Vietjet Air hay Bamboo Airways muốn nắm cổ phần tại một công ty phục vụ mặt đất như SASG với kỳ vọng có thêm ưu thế trong các dịch vụ thủ tục, sân đỗ, thang nối… không phải là điều khó hiểu. Chưa kể, biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ hàng không luôn cao gấp đôi của doanh nghiệp vận tải hàng không.
Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau khi chính thức trở thành cổ đông lớn của SASG, Vietjet đã gửi văn bản xin phép Cục hàng không cho hãng này được triển khai tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ 1/1/2020 thay vì thuê các đơn vị dịch vụ mặt đất nhằm tăng tính chủ động, tăng năng lực phục vụ.
Sau khi Vietjet có đề xuất trên, Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) và Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cùng có công văn bày tỏ lo ngại khi Vietjet có kế hoạch tự phục vụ mặt đất, làm giảm sản lượng và doanh thu của 2 công ty này.
Mặc dù vậy, Vietjet vẫn đã được đồng ý cho tự thực hiện các dịch vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) thay vì phải đi thuê.
Theo Báo cáo thường niên 2022, trong năm 2022, SAGS đã đàm phán thành công và ký hợp đồng phục vụ mặt đất với một số hãng quốc tế mới như Air Premia (Hàn Quốc), Fly Gangwon (Hàn Quốc), Kalitta Air (Hoa Kỳ), Bhutan Airlines (Bhutan).
Theo đánh giá của Ban lãnh đạo công ty, SGN sẽ khó tăng trưởng do slot và hạ tầng đã quá tải. Công ty này vẫn đang chuẩn bị công tác đầu tư, đấu thầu cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất tại cảng HKQT Long Thành để có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.