Doanh nghiệp vào cuộc chi trả bảo hiểm thiệt hại do mưa bão
Thống kê của các công ty bảo hiểm ghi nhận hàng trăm tổn thất của khách hàng liên quan đến ảnh hưởng của cơn bão số 3. Hiện, DN bảo hiểm đang tích cực vào cuộc, triển khai công tác giám định thiệt hại và hoàn tất hồ sơ bồi thường, hỗ trợ người dân vượt khó khăn.
Kịp thời bồi thường thiệt hại
Theo thống kê của Bảo hiểm Agribank, tính đến hết ngày 9/9/2024 đã ghi nhận khoảng gần 400 vụ tổn thất từ các doanh nghiệp (chưa tính đến tổn thất từ khách hàng cá nhân), ước tính thiệt hại vốn vay từ Agribank khoảng 100 tỷ đồng. Các loại tài sản bị hư hỏng bao gồm máy móc, thiết bị công nghiệp và công trình hạ tầng. Nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình tại khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đã phải đối mặt với những thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống.
Tại Hải Phòng, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão Yagi. Theo ước tính, tổn thất tại địa bàn của khách hàng Bảo hiểm Agribank tại địa bàn này đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Các phương tiện vận tải biển, đặc biệt là tàu thuyền đánh cá của ngư dân, bị thiệt hại nghiêm trọng.
Trước tình hình này, Bảo hiểm Agribank chi nhánh Hải Phòng đã khẩn trương cử các chuyên gia giám định đến hiện trường để kiểm tra, đánh giá thiệt hại và nhanh chóng tiến hành các thủ tục bồi thường. Sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các hộ dân đã giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, đồng thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm quay lại sản xuất và kinh doanh.
Tại Nam Định, Bảo hiểm Agribank chi nhánh Nam Định cũng đã kịp thời cử cán bộ giám định bồi thường xuống nhà máy gạch Hà Nam; nhà xưởng của khách hàng tại Tiền Hải (Thái Bình)… để xác định mức độ thiệt hại và nhanh chóng lên kế hoạch bồi thường…
Tại các địa phương khác như Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai do tình trạng ngập úng sâu và diện rộng nên công tác thống kê thiệt hại bước đầu đang gặp nhiều khó khăn. Các chi nhánh của Bảo hiểm Agribank cũng đang tiếp tục bám sát diễn biến của thời tiết để nhanh chóng hỗ trợ khách hàng ngay khi tình trạng thời tiết tốt hơn.
Báo cáo thiệt hại mới nhất theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến chiều 10/9, có 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận về các vụ tổn thất về người là khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị thiệt hại do bão số 3 và lũ lụt gây ra.
Bước đầu, các doanh nghiệp bảo hiểm xác định có 15 vụ, 15 người thương vong và số tiền ước chi trả và hỗ trợ ban đầu khoảng 9,72 tỷ đồng.
Cụ thể, tại AIA Việt Nam, thông qua trưởng đại diện kinh doanh, văn phòng kinh doanh tại các địa bàn, doanh nghiệp này ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do bão số 3 gây ra, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam khoảng 6,5 tỷ đồng.
Sau khi xác minh bước đầu, Công ty AIA Việt Nam quyết định chấp thuận chi trả toàn bộ quyền lợi bảo hiểm cho các trường hợp này. “Công ty đang nỗ lực liên hệ với thân nhân khách hàng để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường”, AIA Việt Nam cho biết.
Tại Bảo hiểm Daiichi, với thông tin thu thập được về danh sách nạn nhân, doanh nghiệp này xác định có 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lỡ ở Yên Bái. Số tiền ước tính chi trả là 2,7 tỷ đồng. “Chúng tôi cũng đang tích cực theo dõi tình hình và thu thập thông tin về các nạn nhân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời”, đại diện Daiichi thông tin.
Trận bão lũ vừa qua, Công ty Bảo hiểm Sunlife ghi nhận 1 vụ thiệt hại với số tiền ước tính chi trả khoảng 260 triệu đồng. Tương tự, Bảo hiểm Generali cũng ghi nhận 1 vụ với số tiền ước tính chi trả khoảng 20 triệu đồng. Bảo hiểm Cathay ghi nhận 1 vụ với số tiền ước tính chi trả ban đầu khoảng 30 triệu đồng. Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã ghi nhận 1 vụ với số tiền ước tính chi trả khoảng 210 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm khác như Manulife, Prudential, Chubb, Shinhan, Phú Hưng,... cũng đã rà soát nhưng chưa ghi nhận khách hàng nào bị thiệt hại.
Về tài sản, tính tới chiều ngày 10/9/2024, theo báo cáo sơ bộ từ một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, các công ty này đã ghi nhận 1.754 vụ tổn thất của khách hàng thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra.
Cụ thể, về nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận 684 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 220 vụ, VBI 150 vụ, PVI 134 vụ, Bảo Minh 44 vụ, ABIC 29 vụ, PJICO 107 vụ. Về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, các doanh nghiệp ghi nhận 1.070 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 315 vụ, VBI 91 vụ, PTI 273 vụ, PJICO 219 vụ. Đa số các công ty đều chưa ước tính được giá trị thiệt hại.
Trước đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã ước tính được cụ thể giá trị thiệt hại, đồng thời tiếp tục theo cập nhật về số vụ tổn thất của khách hàng. Cụ thể, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã ghi nhận gần 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng. Số liệu thiệt hại vẫn đang được doanh nghiệp này cập nhật.
Hay như Bảo hiểm VietinBank, tính đến chiều ngày 9/9/2024, doanh nghiệp này đã ghi nhận trên 400 vụ tổn thất trên các nghiệp vụ tài sản, hàng hải và xe cơ giới (chưa bao gồm tổn thất về con người), số tiền bồi thường ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Các bước thực hiện quyền lợi bảo hiểm
Theo Bảo hiểm Bảo Việt, quyền lợi bảo hiểm của khách hàng được xác định theo các điều khoản cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm được bảo vệ tối đa, Bảo hiểm Bảo Việt khuyến nghị khách hàng thực hiện các bước sau đây:
Bước 1. Thông báo tổn thất: Khách hàng cần nhanh chóng thông báo về thiệt hại qua các kênh liên hệ chính thức của Bảo Hiểm Bảo Việt. Hotline 1900 55 88 99 nhánh số 3 - Tổng đài hỗ trợ 24/7 hoặc liên hệ tới các công ty thành viên, đại lý của Bảo Hiểm Bảo Việt tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Bước 2. Chuẩn bị tài liệu liên quan: Khách hàng cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết như hình ảnh hiện trường, hình ảnh tổn thất, các biên bản xác định thiệt hại, và các giấy tờ khác hỗ trợ quá trình xác minh tổn thất.
Bước 3. Phối hợp với chuyên viên giám định: Đội ngũ giám định viên chuyên nghiệp của Bảo Hiểm Bảo Việt sẽ tiếp cận hiện trường, tiến hành kiểm tra và đánh giá thiệt hại một cách nhanh chóng và minh bạch.
“Để quy trình bồi thường được diễn ra hiệu quả, chúng tôi khuyến khích khách hàng chủ động thông báo thiệt hại và phối hợp chặt chẽ. Mục tiêu của Bảo Hiểm Bảo Việt là giúp khách hàng sớm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời hoàn tất các thủ tục bồi thường trong thời gian ngắn nhất”, Bảo hiểm Bảo Việt thông tin.
Trước đó, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9.
Bên cạnh đó, cần thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.
Hiện, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động cử cán bộ, nhân viên tới các địa bàn trọng điểm mà bão số 3 đi qua để xác định thiệt hại về người và tài sản của khách hàng tham gia bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để hỗ trợ nhân đạo, tiến hành xác định thiệt hại để tạm ứng và bồi thường cho các khách hành bị thiệt hại do bão số 3 để lại.