Doanh nghiệp Trung Quốc "xếp hàng dài" hiếm thấy ở các gian hàng Việt: Vị trí số 1 Đông Nam Á của Việt Nam vững như bàn thạch
Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông, Trung Quốc) cho hay, tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) thường niên vừa kết thúc, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc chờ đợi để được tư vấn về việc đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam nhiều chưa từng có.
Sau khi tham dự cuộc họp kết nối doanh nghiệp kéo dài một giờ với hơn 300 khách tham dự vào Chủ nhật (17/9), vẫn có hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc tiềm năng đang chờ bà Nguyễn Thị Nga, đại diện Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng, Việt Nam) giải đáp thắc mắc.
"Thực sự đã có nhiều sự quan tâm hơn từ các doanh nghiệp Trung Quốc kể từ năm ngoái", bà Nga nói. "Nó đặc biệt bùng nổ trong năm nay, sau đại dịch".
Bà Nga cho biết, một nửa trong số những khách hàng Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất hóa chất, điện tử và tấm pin mặt trời, đều đang quan tâm đến Deep C.
"Chúng tôi đang mong đợi sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tham gia", đại diện Deep C cho hay, có thêm 7 đến 8 nhà đầu tư Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam vào cuối năm nay.
Được biết hơn 2.000 doanh nghiệp từ 10 thành viên ASEAN và Trung Quốc đã tham gia hội chợ CAEXPO 2023, trong đó nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Theo Báo chính phủ, ngay tại hội chợ lần nay, nhiều giao dịch kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt-Trung đã được ký kết với chất lượng cao hơn các kỳ hội chợ trước.
SCMP cho rằng, nhờ môi trường chính trị ổn định, lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong khu vực.
Tăng tốc đầu tư vào Việt Nam
Hãng tin Reuters hồi tháng 3 đưa tin, sau khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh hạn chế liên quan đến đại dịch vào tháng 12/2022, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong 50 ngày đầu năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc tổ chức đầu tư 45 dự án mới tại Việt Nam - số lượng dự án nhiều nhất đến từ một quốc gia.
"Các yêu cầu tham vấn từ những công ty Trung Quốc về đầu tư sản xuất tại Việt Nam đã tăng theo cấp số nhân trong quý IV năm ngoái", ông Michael Chan, Giám đốc cấp cao về cho thuê của công ty bất động sản công nghiệp BW Industrial Development, cho biết. "Đầu tư của Trung Quốc cũng tăng lên đáng kể".
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 8 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 2,69 tỷ USD; vượt cả Nhật Bản, Hàn Quốc, để giành vị trí thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.
Thậm chí, nếu xét về số lượng dự án thì Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án mới đạt tỉ lệ 20,7%.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước liên tiếp đạt kỷ lục mới, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - GS.TSKH Nguyễn Mại chia sẻ với báo Lao động rằng, không chỉ năm 2023 mà còn từ nay đến năm 2025 và dài hơn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc.
Ông nói: "Trung Quốc không thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư sang Việt Nam thông qua tận dụng các đối tác xuất khẩu thuận lợi để giao thương hàng hoá".
Theo An An
Nhịp sống thị trường