Doanh nghiệp quân đội đóng góp khoảng 15-20 tỷ USD mỗi năm
Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, các đơn vị, doanh nghiệp quân đội luôn chủ động, tích cực tham gia lao động, sản xuất kinh doanh.
Duy trì được nhịp tăng trưởng
Những năm qua, các doanh nghiệp quân đội đã đóng góp khoảng 15-20 tỷ USD mỗi năm; bảo đảm việc làm và đời sống cho hàng trăm nghìn lao động…
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, xung đột tại nhiều nước trên thế giới tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp quân đội nói riêng, song vượt qua những khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tương đối ổn định, các chỉ tiêu kinh tế cơ bản đạt kế hoạch giao.
Dây chuyền sản xuất dây cáp hiện đại của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel |
Theo số liệu thống kê, tính riêng trong năm 2022, đa số doanh nghiệp quân đội đều đứng vững trước những khó khăn của đất nước, đồng thời có đóng góp lớn giúp Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể, doanh thu đạt trên 300 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 48 nghìn tỷ đồng, bảo đảm việc làm và đời sống cho hàng trăm nghìn lao động với thu nhập bình quân trên 18 triệu đồng/người/tháng.
Điển hình trong số những doanh nghiệp này có thể kể đến như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel nhiều năm liền được bình chọn là thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới; hay Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đứng vững trong Top 25 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới, đồng thời giữ vững thương hiệu nhà khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam; Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh còn luôn sẵn sàng thực hiện tốt các chuyến bay chuyên cơ, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra...
Thực tế gần 80 năm qua, quân đội ta là quân đội cách mạng, “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng quân đội ta luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tích cực tăng gia, sản xuất, cải thiện đời sống bộ đội; tham gia sản xuất xây dựng hậu phương lớn miền bắc, xây dựng căn cứ hậu cần tại chỗ trên các vùng chiến lược, thực hiện tốt chủ trương, đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”.
Sau khi đất nước thống nhất, quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt, tham gia đắc lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời kỳ mới, nhất là những năm gần đây, nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có bước phát triển toàn diện, đạt kết quả quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.
Chia sẻ tại một hội thảo về xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng trong tình hình mới, TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - nhấn mạnh: Quân đội có vai trò quan trọng đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bởi quá trình này góp phần thay đổi vận mệnh của cả dân tộc. Vì vậy, cần đặt nhiệm vụ quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong tổng thể đường lối xây dựng "nền kinh tế độc lập tự chủ" trong bối cảnh kinh tế thế giới và nước ta trong giai đoạn mới.
Tạo tiền đề vững chắc
Với tiềm năng, thế mạnh về tính tổ chức, kỷ luật, văn hóa quân sự, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại trên nhiều lĩnh vực, việc quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội được nhận định sẽ là nguồn nội lực quan trọng để phát triển đất nước, phát huy tinh thần tự lực tự cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, đảm bảo xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc để tiến lên hiện đại, góp phần bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng; nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đứng trước những thuận lợi và cơ hội to lớn song cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức, điều này đặt ra cho quân đội nhiệm vụ tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn công nghiệp quốc phòng vững mạnh, tập trung vào ngành công nghiệp mũi nhọn, hiện đại, trên các địa bàn chiến lược trọng điểm quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn công nghiệp theo hướng "lưỡng dụng" tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu quả, thực sự có năng lực về công nghệ và quản trị, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó cũng đòi hỏi quân đội tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực, sức mạnh của đất nước.
Bàn về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, ngoài việc tập trung vào 31 khu kinh tế - quốc phòng, quân đội cần tham gia đầu tư vào 18 khu kinh tế ven biển. Bởi, các khu kinh tế ven biển không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa an ninh quốc phòng.
Chuyên gia này cũng mong muốn quân đội đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu phục vụ cả về quân sự lẫn dân sự vì lợi ích quốc gia, dựa trên những lợi thế đại dương. Ngành công nghiệp quốc phòng và ngành công nghiệp đóng tàu phải là lĩnh vực mà quân đội cần tham gia.
Đồng quan điểm với TS. Trần Du Lịch, nhiều ý kiến bày tỏ: Để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp quân đội cũng cần mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, gắn với nâng cao khả năng độc lập tự chủ của các đơn vị, doanh nghiệp quân đội; gắn kết mục tiêu kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, góp phần thúc đẩy quan hệ về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao và đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với các nước; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Không chỉ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong nước, nhiều doanh nghiệp quân đội đã mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông, khai khoáng... góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. |