A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp nêu loạt khó khăn tiếp cận vốn vay ngân hàng

Ông Hoàng Minh Nhật - Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật xuất khẩu gạo - cho biết, với chuẩn vay của ngân hàng, doanh nghiệp chưa đạt được. Đặc biệt với ngành hàng lúa gạo nông sản, các sản phẩm nông sản ĐBSCL có tính chất thời vụ, do đó khi doanh nghiệp có nhu cầu thời vụ lại gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ khả năng trả hết nợ

Tại Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” chiều 15/3, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước - cho biết, đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Doanh nghiệp nêu loạt khó khăn tiếp cận vốn vay ngân hàng - Ảnh 1.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước.

Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%). Các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%, khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Theo bà Giang, mặc dù tín dụng đối với DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên , kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân khách quan từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước. Tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động đến sản xuất kinh doanh nói chung và hiệu quả hoạt động của DNNVV nói riêng.

Bà Giang cho rằng, về phía ngành ngân hàng, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

"DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó các DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định", bà Giang nói.

Nhìn vào thực tế, bà Giang đánh giá, hiện đa số các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.

Kiến nghị gỡ chuẩn vay cho doanh nghiệp

Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội - thừa nhận thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đây là những hạn chế không thể sửa ngay, cần phải có thời gian bởi đa phần các doanh nghiệp này bắt nguồn từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức về nghiệp vụ tài chính còn hạn chế.

Bà Ngân kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ.

Ông Hoàng Minh Nhật - Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật xuất khẩu gạo - cho biết, doanh nghiệp ông chuyên về lúa gạo, xay xát, chế biến xuất khẩu. Doanh thu một năm khoảng 1.000 tỷ đồng.

“Tôi thấy, chủ trương về phía ngân hàng đã có. Vấn đề mấu chốt ở đây ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên có chuẩn vay để đảm bảo thu hồi vốn" - ông Nhật cho hay.

Ông Nhật cho rằng, với chuẩn vay của ngân hàng, doanh nghiệp chưa đạt được. Đặc biệt với ngành hàng lúa gạo nông sản, các sản phẩm nông sản ĐBSCL có tính chất thời vụ, do đó khi doanh nghiệp có nhu cầu thời vụ lại gặp khó khăn.

“Tôi mong Ngân hàng Nhà nước xem xét để tháo gỡ điểm thắt này”, ông Nhật nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội