A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ cấu cổ đông của Traphaco "lợi hại" như thế nào?

Là doanh nghiệp hàng đầu mảng đông dược, Traphaco đang có lợi thế lớn để đẩy mạnh phát triển ngoài đông dược khi cổ đông chiến lược nằm trong Top 3 hãng dược lớn nhất Hàn Quốc và có các sản phẩm tập trung trong mảng tân dược.

 

Cơ cấu cổ đông của Traphaco

Theo báo cáo thường niên năm 2022 của CTCP Traphaco (mã chứng khoán: TRA), tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty tính đến cuối năm 2022 là 46,14%, ngày càng tiến sát đến mức tối đa được cho phép (49%). Trong đó, cổ đông tổ chức nước ngoài chiếm 45,94% vốn cổ phần với hai cổ đông lớn là MAGBI Fund Limited (sở hữu 25% vốn) và Super Delta Pte.Ltd (sở hữu 15,12% vốn). Ngoài ra, cổ đông tổ chức trong nước chiếm 36,58% vốn cổ phần, phần lớn là sở hữu của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC (sở hữu 35,67% vốn).

Cơ cấu cổ đông của Traphaco "lợi hại" như thế nào? - Ảnh 1.

 

Được biết, MAGBI Fund Limited và Super Delta Pte.Ltd là đại diện cho quỹ đầu tư Mirae Asset và Công ty Dược phẩm Daewoong Pharmaceutical. Daewoong nằm trong Top 3 hãng dược lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu hằng năm trên 1 tỷ USD.

Mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Traphaco và Daewoong được kỳ vọng sẽ tạo ra sự hòa hợp và cộng hưởng giữa thế mạnh riêng cả 2 công ty. Theo đó, Traphaco là doanh nghiệp đông dược hàng đầu Việt Nam và có thế mạnh trong kênh phân phối nhà thuốc OTC thì Daewong lại tập trung Tân dược và kênh phân phối bệnh viên (ETC).

Thực tế, Daewoong Pharma hiện đang có những đóng góp không nhỏ vào hoạt động kinh doanh của Traphaco, đặc biệt trong mảng tân dược. Từ năm 2021, Traphaco đã tiếp nhận chuyển giao 12 sản phẩm mới từ đối tác này. Theo đại diện của Daewoong, ngoài 70 sản phẩm đặc trị các bệnh có nhu cầu lớn ở Việt Nam, tập đoàn này sẽ mở rộng thêm danh mục mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trong giai đoạn chuyển giao 3 và 4.

Đại diện Tập đoàn Daewoong từng cho biết, thế mạnh của Traphaco là hệ thống phân phối và kinh nghiệm trong phân phối hàng OTC (bán lẻ qua nhà thuốc) sẽ được phát huy khi doanh nghiệp này đa dạng hóa danh mục sản phẩm.

Trong chiến lược lâu dài, Daewoong muốn tăng cường các sản phẩm có tính công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng trên cả 2 kênh OTC và ETC. Ngoài ra, tập đoàn này cũng kỳ vọng xuất khẩu các sản phẩm Traphaco đến các thị trường nước ngoài.

Theo SSI Research, doanh thu của danh mục ngoài đông dược của Traphaco dự kiến sẽ tăng lên 1.000 tỷ đồng (+10% so với cùng kỳ) trong năm 2023, trong đó doanh thu từ các sản phẩm mới trong giai đoạn 2021-2023 dự kiến sẽ mang lại khoảng 200 tỷ đồng.

Năm 2023, Traphaco đặt mục tiêu hoàn thành doanh số năm các sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 1 với Daewoong; triển khai sản xuất 5 sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 1 theo kế hoạch bán hàng kênh OTC và ETC; thúc đẩy để có số đăng ký sớm cho các sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 2, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giai đoạn 3 với Daewoong…

Ông Kim Dong Hyu – Phó TGĐ Traphaco phụ trách ETC & SPKT chia sẻ “Khi hai công ty kết hợp, luôn có chiến lược rõ ràng và khi đầu tư tất nhiên sẽ định hướng Traphaco trở thành doanh nghiệp dược số 1 Việt Nam. Không chỉ nguồn vốn, phía Hàn Quốc còn sẵn sàng hỗ trợ bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu đó.”

Trong quá trình hợp tác chuyển giao công nghệ, Daewoong đã hỗ trợ Traphaco từ việc lựa chọn nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào cho đến nghiên cứu & sản xuất thuốc, nhờ đó mà công ty tiết kiệm về thời gian và giảm thiếu được chi phí nghiên cứu.

Về Traphaco, công ty sở hữu nhiều lợi thế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài khi đang là doanh nghiệp đông dược hàng đầu, có hệ thống phân phối mạnh trải rộng khắp cả nước với 28 chi nhánh và bán hàng trực tiếp tới gần 30.000 nhà thuốc bán lẻ trên toàn quốc. Năng lực sản xuất được nâng cao khi nhà máy sản xuất thuốc tân dược tại Hưng Yên đã đi vào hoạt động từ năm 2017. Đây là nhà máy sản xuất thuốc tân dược hiện đại nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư 477 tỉ đồng, gồm 3 phân xưởng và 5 dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra, Traphaco đã có 5 vùng trồng đạt chuẩn GACP-WHO của Bộ Y tế với trên 36.000 ha cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho công ty. Nhờ đó, công ty đã tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, nên chuỗi cung ứng của công ty ít bị gián đoạn.

Kết quả kinh doanh của Traphaco vẫn tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Năm 2022, doanh thu thuần công ty đạt 2.399 tỷ đồng tăng trưởng 11%, lợi nhuận 293 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2021. Biên lãi gộp của Traphaco liên tục tăng trưởng trong các năm gần đây và nằm trong top những công ty có biên lợi nhuận gộp tốt nhất ngành dược.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội