“Nữ hoàng hột vịt” Ba Huân: Luôn tin ở ngày mai tươi sáng!
Giám đốc Công ty CP Ba Huân - bà Phạm Thị Huân được biết đến với nick-name: Ba Huân, cô Ba hột vịt, Nữ hoàng hột vịt. Những cái tên gần gũi, thân thương đặc biệt với tầng lớp công nhân, nhân dân lao động nghèo, nhất là thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành.
Hình ảnh truyền cảm hứng của"Cô Ba hột vịt"- Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân.
Lập lên sản nghiệp từ chiếc ghe bầu bôn ba khắp dòng Mê Kông
“Khó khăn khi đại dịch ập đến là điều tất cả doanh nghiệp, doanh nhân đều gặp phải, nhưng sau cơn mưa trời lại sáng, có lũ thì phù sa lại về”- đó là tâm niệm của bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân.
Chỉ học hết lớp 5, luôn tự nhận mình là người “không nhiều chữ nghĩa” song bà Phạm Thị Huân lại khiến nhiều người phải khâm phục bởi triết lý kinh doanh nhân văn và những lần “lội ngược dòng” với số đông để đem lại kì tích.
Chiếm 25% thị phần trứng các loại tại TP Hồ Chí Minh, tuy không phải là doanh nghiệp nằm trong top đầu Việt Nam và bà Ba Huân cũng không phải người giàu top đầu, nhưng những điều mà nữ doanh nhân này đạt được có thể xem như kì tích. Đến nay, công ty của bà đã có 3 nhà máy sản xuất trứng và 2 nông trại nuôi gia cầm và là người tiên phong đưa công nghệ xử lý trứng về Việt Nam. Có xuất phát điểm thấp, song ý chí vượt khó và năng khiếu kinh doanh thiên bẩm của bà Ba Huân vẫn khiến giới doanh nhân phải nể phục.
Là người con thứ 3 trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em, 12 tuổi, bà Phạm Thị Huân đã phải nghỉ học để phụ mẹ nuôi em. 16 tuổi, bà được mẹ giao lại gánh trứng, vừa chăm sóc các em, vừa đảm đương sinh kế của cả đại gia đình.
Từ nhỏ đã theo mẹ trên chiếc ghe bầu xuôi ngược khắp dòng Mê Kông, thu gom và phân phối trứng gia cầm khắp các tỉnh miền Tây, từ Long An đến Kiên Giang, Ba Huân sớm bộc lộ năng khiếu kinh doanh và sự nhanh nhạy học hỏi. Sau giải phóng, bà xin vào làm cho Công ty Nông sản Kiên Giang. Mỗi khi có trứng vỡ, bà lại xin về đem bán lấy tiền lo cho các em ăn học. Biết bà có kinh nghiệm với nghề buôn trứng gia cầm nên lãnh đạo công ty đã giao công việc thu gom và phân phối trứng từ miền Tây lên TP Hồ Chí Minh cho Ba Huân.
Chân dung bà Ba Huân. |
Năm 1985, Nông sản Kiên Giang ngừng kinh doanh trứng gia cầm nên bà Huân đã mở cơ sở kinh doanh trứng tên Ba Huân ở Chợ Lớn. Năm 2001, vựa trứng Ba Huân trở thành Công ty TNHH Ba Huân với vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 nhân công địa phương. Từ đó, Ba Huân đã trở thành một thương hiệu gắn bó với người tiêu dùng.
Dù “biết không nhiều chữ” song trực giác nhạy bén và năng khiếu kinh doanh thiên bẩm đã giúp Ba Huân trở thành một nữ doanh nhân xuất sắc. Bà luôn nhận ra đúng thời điểm để đổi mới mô hình kinh doanh và đầu tư thêm công nghệ, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi ra mắt thị trường. Bởi vậy, không chỉ là thương hiệu quen thuộc, uy tín với người tiêu dùng nội địa, sản phẩm trứng Ba Huân còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Singapore.
Những lần “ngược dòng” làm nên kì tích
Năm 2003, đại dịch cúm gia cầm bùng phát trong cả nước, hàng chục vạn trứng gia cầm phải tiêu huỷ, kéo theo nhiều gia đình chăn nuôi bị phá sản. Mất nguồn cung ứng nguyên liệu, công ty Ba Huân lỗ gần 6 tỷ đồng. Giữa lúc khó khăn, bà Ba Huân phải bán một căn nhà để gây dựng lại sự nghiệp theo yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm mới.
Khi công việc kinh doanh vừa có dấu hiệu ấm trở lại thì đầu năm 2005, dịch cúm gia cầm H5N1 lại lần nữa bùng phát khiến Ba Huân và nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác đứng trước nguy cơ phá sản. Lúc này, bà Huân nghĩ đã tới lúc cần tìm giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề.
Được biết ở nước ngoài có dây chuyền công nghệ xử lý vi khuẩn hiện đại cho trứng gia cầm, bà đã lặn lội tới Hà Lan – nơi có quy trình xử lý trứng sạch hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, với công suất 6.000 trứng/giờ để học hỏi.
Về nước, bà quyết định thu gọn nhà xưởng, đất đai để dành tiền đầu tư nhập khẩu công nghệ mới này. Ý tưởng của Ba Huân đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ bạn bè, người thân, chỉ có mẹ là người duy nhất ủng hộ bà.
Bà Huân nhớ lại: “Bạn bè lúc đó ai cũng ngăn cản: "Bà này khùng, có tiền đầu tư đất đai lời thế sao mày mò với từng quả trứng biết bao giờ giàu". Chỉ có mẹ là người duy nhất ủng hộ tôi. Mẹ nói: ‘Con giờ đã có uy tín có thương hiệu, phải giữ lòng đam mê với nghề mới có thể bứt phá được. Mình sống còn vì người khác nữa. Mẹ không tiếc tiền, chỉ lo con làm sao có đủ kiến thức, sự am hiểu khoa học, kỹ thuật, để đừng bị người ta lừa’".
Không biết ngoại ngữ và cũng chẳng am tường lắm về máy móc kỹ thuật hiện đại, nhưng sau chuyến đi thực tế ở Thượng Hai (Trung Quốc), Ba Huân vẫn quyết định “tất tay” đầu tư hệ thống thiết bị tự động hoá có khả năng xử lý trứng sạch đến 99,9% theo đúng tiêu chuẩn quốc tế với công suất 65.000 trứng/ giờ.
Giữa năm 2018, Ba Huân chiếm hơn 30% thị trường trứng tiệt trùng ở Việt Nam, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 1,7 triệu quả trứng, 15.000 con gà và chế biến 25 tấn thịt gà. Đồng thời, công ty cũng chuyển hướng phát triển sản phẩm, liên tục ra mắt thị trường dòng trứng dinh dưỡng có bổ sung omega 3, DHA, vitamin E. Đầu năm 2019, bà Ba Huân ký hợp đồng với tập đoàn ISE của Nhật để cung cấp trứng gà tươi ăn liền cho chuỗi siêu thị, cửa hàng Nhật tại Việt Nam.
Hình ảnh lao động sản xuất tại trang trại trứng sạch của Công ty CP Ba Huân. |
Triết lý kinh doanh đầy nhân văn
Năm 2021, khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở nhiều thành phố lớn khiến nhu cầu tích trữ lương thực của người dân tăng cao; trong khi nhiều doanh nghiệp, tiểu thương lợi dụng thời cơ để tăng giá trứng kiếm lời thì bà Ba Huân lại hai lần từ chối tăng giá.
Thời điểm đó, tại nhiều nơi, trứng được bán với giá 40.000 – 50.000 đồng/chục còn trứng của Ba Huân vẫn giữ giá 28.000 đồng/chục. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn để sản xuất “3 tại chỗ” trong mùa dịch, song bà Huân vẫn kiên định với mục tiêu bình ổn giá trứng vì “chỉ có dân nghèo mới xài nhiều trứng”, dù được Sở Công Thương TP HCM cho tăng giá thêm 2.000 đồng/chục để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tự nhận rằng doanh nghiệp của mình không có tiền tỷ hỗ trợ Nhà nước chống dịch, mua vắc-xin, khẩu trang, song mỗi ngày, việc từ chối tăng 2.000 đồng/chục trứng của Ba Huân đã giúp người tiêu dùng cả nước tiết kiệm được 200 triệu mỗi ngày. Tích tiểu thành đại, đây là đóng góp của Ba Huân trong công cuộc chống lại đại dịch.
Trải qua nhiều biến cố, song ở Ba Huân, người ta luôn thấy được tinh thần lạc quan, tích cực và ý chí vượt khó đáng khâm phục. Trong dịch bệnh, khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, đứng trước bờ vực phá sản, thì doanh nhân Phạm Thị Huân vẫn giữ được tinh thần “thép” để tiếp tục cố gắng vượt qua: “Dẫu rằng, khó khăn khi đại dịch ập đến là điều tất cả doanh nghiệp, doanh nhân đều gặp phải. Nhưng, sau cơn mưa trời lại sáng, có lũ thì phù sa lại về”.