Xuất khẩu bánh tráng đi 48 thị trường
Sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống làm bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP HCM nhưng từ nhỏ, doanh nhân Lê Duy Toàn chưa bao giờ nghĩ sẽ tiếp nối công việc này vì phải thức khuya, dậy sớm, dãi nắng, dầm mưa mà lợi nhuận không được bao nhiêu.
Tuy nhiên, khi theo học ngành quản trị kinh doanh ở Mỹ từ năm 2006, thấy những bịch bánh tráng trên kệ hàng siêu thị gắn mác "Product of Thailand" (lúc đó Thái Lan vẫn chưa sản xuất bánh tráng) đã làm anh băn khoăn. Điều này khiến Lê Duy Toàn kiên quyết quay về Việt Nam để đưa sản phẩm của gia đình lên kệ các siêu thị ở nước ngoài.
Sau 4 năm du học ở Mỹ, anh Toàn quyết định quay về Việt Nam tiếp nối truyền thống làm bánh tráng của gia đình. Anh lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) và đến nay đã xuất khẩu thành công mặt hàng này sang 48 thị trường.
"Lúc về Việt Nam khởi nghiệp với món bánh tráng truyền thống của gia đình, tôi gặp rất nhiều khó khăn do sản phẩm chưa có thương hiệu, còn bản thân chưa có kinh nghiệm bán hàng. Các công đoạn sản xuất đều thủ công nên chất lượng không đồng đều và chưa đáp ứng được tiêu chí của khách hàng. Qua nhiều lần thử nghiệm, Duy Anh Foods đã có được những sản phẩm hoàn chỉnh nhưng khi chào bán cho các đối tác nước ngoài đến từ Nhật Bản, Mỹ, Úc... thì họ từ chối. Không nản chí, tôi tiếp tục cải tiến sản phẩm" - anh Toàn nhớ lại.
Sản phẩm Mr Rice của Duy Anh Foods có mặt trên kệ nước ngoài
Một thời gian sau, có đoàn khách khoảng 30 - 40 người từ Nhật Bản sang Việt Nam du lịch, họ muốn tham quan nhà máy sản xuất bánh tráng của Duy Anh Foods. "Lúc đó, tôi tặng mỗi khách Nhật 2 bịch bánh tráng để làm quà. Khi quay về Nhật, họ phản hồi rất tích cực, sau đó đã đặt hàng mua. Đó là đơn hàng xuất khẩu đầu tiên của công ty" - CEO Duy Anh Foods kể.
Chia sẻ về "chìa khóa vàng" để đạt được thành công như hiện tại, CEO Duy Anh Foods cho biết bên cạnh việc không ngừng đổi mới, cải tiến sản phẩm, với mỗi thị trường phải có chất lượng thành phần khác nhau, đáp ứng nhu cầu khách hàng nên "tiếng lành đồn xa". Khi đã có thị trường, chuyện bán hàng sẽ dễ dàng hơn.
"Ngoài việc tập trung phát triển sản phẩm, đồng bộ sản phẩm là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt trong xuất khẩu" - anh Toàn nhấn mạnh.
Theo Lê Tình
Người Lao Động