Thị trường ngày 13/7: Giá dầu thấp nhất 3 tháng, vàng chạm ‘đáy’ 9 tháng, nhôm thấp nhất 14 tháng, quặng sắt, cà phê, ngũ cốc cũng giảm
Phiên giao dịch 12/7 kết thúc với việc giá hàng hóa đồng loạt giảm do tỷ giá USD mạnh và lo ngại kinh tế thế giới suy thoái vì đại dịch COVID-19 tái phát ở Trung Quốc. Đồng USD có lúc tăng lên 108,56, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2002.
Giá dầu giảm mạnh trong phiên 12/7, với dầu Brent mất 7 USD xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 3 tháng, trong khi dầu WTI giảm xuống sát 95 USD/thùng, do đồng USD mạnh lên, những biện pháp chống dịch COVID-19 ở nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới - Trung Quốc - và gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 7,61 USD, tương đương 7,1%, xuống 99,49 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 11 tháng 4; dầu thô Tây Texas của Mỹ (WTI) giảm 8,25 USD, tương đương 7,9%, xuống 95,84 USD, cũng là mức thấp nhất trong ba tháng.
So với mức đỉnh cao vào tháng 3 năm nay, dầu Brent đã giảm 29%, trong khi WTI giảm 27%.
Giá dầu nói chung được định giá bằng đô la Mỹ, vì vậy đồng bạc xanh mạnh lên khiến hàng hóa trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng coi đồng USD là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ thị trường biến động.
Lo ngại suy thoái kinh tế cũng buộc các nhà đầu tư phải bán phá giá các sản phẩm phái sinh liên quan đến dầu mỏ với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu đại dịch đến nay.
Vàng thấp nhất 9 tháng
Giá vàng đã chạm mức thấp nhất 9 tháng trong phiên 12/7 do đồng USD mạnh và thị trường đặt cược vào việc lãi suất sẽ tăng cao, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ để có thể xác định tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.724,80 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 8 giảm giảm 0,4% xuống 1.724,8 USD.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho biết: "Sự đổ xô ồ ạt vào đồng đô la (của các nhà đầu tư) và dự đoán lãi suất sẽ tăng cao hơnnữa, do lạm phát tiếp tục tăng tăng mạnh, đang gây áp lực lên vàng".
Nhôm thấp nhất 14 tháng, đồng cũng giảm
Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm do nguồn cung dự kiến tăng từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Trung Quốc, nơi các nhà máy luyện kim đang tăng sản lượng.
Giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) kết thúc phiên 12/7 giảm 0,8% xuống 2.360 USD/tấn, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2021, là 2.352 USD.
Giá đồng trong phiên vừa qua giảm 3% xuống 7.354 USD/tấn.
Sản lượng nhôm sơ cấp ở Trung Quốc đang tăng lên do việc hạn chế tiêu thụ điện đã giảm dần. Sản lượng trong tháng 5 đạt kỷ lục 3,42 triệu tấn, tăng 3,1% so với cùng tháng năm trước và 3,36 triệu tấn của tháng 4.
Cà phê arabica thấp nhất 2 tháng
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hai tháng do đồng tiền của nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới - Brazil suy yếu và viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu có thể hạn chế tiêu dùng.
Cụ thể, giá cà phê arabica giao tháng 9 giảm 7,9 cent, tương đương 3,7%, xuống 2,0535 USD/lb vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong hai tháng là 2,0475 USD.
Giá cà phê robusta giao tháng 9 cũng giảm 12 USD, tương đương 0,6% xuống 1.954 USD/tấn.
Ngũ cốc giảm
Giá ngũ cốc và đậu tương Mỹ đều giảm mạnh trong phiên vừa qua sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng mức dự báo về nguồn cung các loại cây trồng này trong khi giảm kỳ vọng về nhu cầu.
Giá ngô, đậu tương và lúa mì kỳ hạn tương lai đều lùi về mức trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine. Lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm nhu cầu cũng gây áp lực lên giá ngũ cốc.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 42-1/2 cent xuống 5,86-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 62 cent xuống 13,43 USD/bushel, và lúa mì kỳ hạn tháng 9 giảm 42-1/4 cent xuống 8,14-1/4 USD/bushel.
Bông mất hơn 4%
Gí bông Mỹ giảm hơn 4% trong phiên vừa qua do đồng USD mạnh và dự đoán nhu cầu đối với sợi tự nhiên giảm, đặc biệt là từ khách hàng lớn nhất thế giới – Trung Quốc.
Hợp đồng giao dịch bông kỳ hạn tháng 12 giảm 3,82 cent, tương đương 4,03%, xuống 90,92 cent/lb vào lúc đóng cửa, biên độ giao dịch trong phạm vi 90,84 và 94,9 cent/lb.
Trung Quốc đã thông báo trong đêm rằng họ đã giảm dự báo nhập khẩu trong năm nay xuống còn khoảng 8 triệu kiện trong bối cảnh dịch COVID gây ra nhiều đợt phong tỏa. Trung Quốc cũng đã giảm ước tính tiêu thụ tổng thể xuống 36 triệu kiện. Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ bông lớn nhất của Mỹ.
Cao su vững
Giá cao su tại Nhật Bản vững trong phiên vừa qua với biên độ dao động hẹp bởi chịu tác động từ 2 yếu tố trái chiều: Lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khi dịch COVID-19 tái bùng phát ở Trung Quốc và Nhật Bản, và đồng yen yếu đi và giá cao su ở Thượng Hải tăng.
Kết thúc phiên 12/7, cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka giảm 0,1 yên xuống 247,6 yên (1,8 USD)/kg.
Trong khi đó, cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 35 nhân dân tệ lên 12.685 nhân dân tệ (1.885 USD)/tấn.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt kỳ hạn trên cả sàn Đại Liên và Singapore đều giảm trong phiên vừa qua do lo ngại nhu cầu yếu ở Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất, giao tháng 9, trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên giảm tới 4,7% xuống 709 nhân dân tệ (105,38 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 6 tháng 7.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 giảm 2,4% xuống 107,40 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc giảm xuống 105,80 USD, mức thấp nhất trong năm nay.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 13/7:
Minh Quân
Theo Nhịp sống kinh tế