A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 22/8/2023: Giá dầu, giá ngô quay đầu giảm; giá đồng và giá sắt tăng

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 22/8/2023, giá dầu, giá ngô quay đầu giảm. Giá dầu WTI chốt ngày tại mức giá 80,12 USD/thùng, giảm 0,67%.

Giá dầu quay đầu giảm trước một số dấu hiệu nguồn cung hồi phục

Giá dầu mở cửa phiên giao dịch ngày 21/08 với lực mua mạnh mẽ, nhưng đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại vào nửa cuối phiên và đóng cửa trong sắc đỏ. Cụ thể, giá dầu WTI chốt ngày tại mức giá 80,12 USD/thùng, tương đương với mức giảm 0,67%. Giá dầu Brent giảm 0,32% xuống mức 84,09 USD/thùng.

Một số dấu hiệu phục hồi trong khả năng cung ứng dầu trên thị trường, cùng với lo ngại về tiêu thụ suy yếu, nhất là khi Mỹ đang dần bước vào giai đoạn cuối của mùa tiêu thụ cao điểm đã gây áp lực đối với giá dầu.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 22/8/2023: Giá dầu quay đầu giảm trước một số dấu hiệu nguồn cung hồi phục
Bảng giá năng lượng

Mặc dù giá dầu đã nhận được lực mua rất tích cực sau khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản 1 năm 0,1 điểm phần trăm xuống 3,45% trong phiên sáng, nhưng mức cắt giảm ít hơn kỳ vọng vẫn cho thấy động thái thận trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế, bất chấp loạt dữ liệu kinh tế yếu kém trong vài tháng gần đây.

Áp lực bán gia tăng khiến giá đảo chiều giảm trong nửa cuối phiên, trong bối cảnh nguồn cung có dấu hiệu phục hồi. Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq đang có kế hoạch thảo luận về việc nối lại xuất khẩu dầu thông qua nhà ga Ceyhan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên trước đó đã có những tranh chấp pháp lý kéo dài ảnh hưởng tới khoảng 450.000 thùng dầu/ngày.

Thêm vào sức ép giảm giá, xuất khẩu dầu của Iran đang tăng mạnh trong tháng 8, củng cố kỳ vọng nguồn cung được bù đắp một phần trước tác động cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và giảm xuất khẩu từ Nga.

Cụ thể, theo TankerTrackers, công ty cung cấp dữ liệu về các chuyến hàng vận chuyển dầu cho các Chính phủ, công ty bảo hiểm và các tổ chức khác, ước tính rằng quốc gia vùng Vịnh Ba Tư này đã xuất khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ mỗi ngày trong 20 ngày đầu tháng 8. Nếu được duy trì, con số này sẽ vượt xa khối lượng cung cấp của các tháng khác trong năm nay.

Ngoài ra, giá dầu hàng đầu của Nga có thể đã tăng vọt lên trên mức trần 60 USD/thùng do các nước G7 áp đặt, nhưng điều này vẫn không cản trợ được việc cung cấp các dịch vụ thương mại từ phương Tây.

Khoảng 40% tàu chở dầu thô từ các cảng Baltic và Biển Đen của Nga thuộc sở hữu của các công ty có trụ sở tại các quốc gia đã đăng ký mức giá trần. Trước khi mức giá trần bị áp đặt, có khoảng 50% lượng tàu thuộc sở hữu của phương Tây. Một số lượng lớn vẫn nhận được bảo hiểm chuyển qua London. Điều này cho thấy tác động của mức giá trần trong bối cảnh giá dầu tăng cao hơn trên thực tế không ngăn được dòng chảy dầu từ Nga, góp phần bảo hộ nguồn cung trên thị trường.

Bên cạnh các yếu tố về nguồn cung, lo ngại về nhu cầu tiêu thụ suy yếu khi Mỹ đang vào giai đoạn cuối mùa tiêu thụ cao điểm, và nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu cũng gây áp lực cho giá dầu. Dữ liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu dầu tháng 7 của Saudi Arabia sang Trung Quốc đã giảm 31% so với tháng 6 khi quốc gia này liên tục tăng giá bán sang châu Á. Thay vào đó, nguồn cung từ Nga tiếp tục được đảm bảo.

Trung Quốc đang sử dụng hàng tồn kho kỷ lục được tích lũy vào đầu năm nay khi các nhà máy lọc dầu thu hẹp quy mô mua trong bối cảnh giá cao hơn giai đoạn nửa đầu năm.

Kim loại quý phân hóa, giá đồng và giá sắt tăng nhờ Trung Quốc hạ lãi suất LPR

Sắc xanh áp đảo bảng giá thị trường kim loại khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/08. Đối với nhóm kim loại quý, bạch kim là mặt hàng giảm giá duy nhất trong nhóm khi giảm 0,16% xuống 913,5 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc bật tăng mạnh với mức tăng 2,67% lên 23,34 USD/ounce, đây cũng là phiên ghi nhận mức tăng mạnh nhất của giá bạc trong vòng hơn 1 tháng. Giá vàng tăng 0,3% chốt phiên tại mức 1.893,94 USD/ounce.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 22/8/2023: Giá dầu quay đầu giảm trước một số dấu hiệu nguồn cung hồi phục
Bảng giá kim loại

Giá vàng và giá bạch kim có mức biến động nhẹ khi các nhà đầu tư trên thị trường hạn chế mở vị thế mới trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào ngày 25/08, nhằm tìm kiếm manh mối về chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới.

Hơn nữa, lo ngại Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao đang khiến lợi suất tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm trở lại đây. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 9 điểm cơ bản lên 4,34% trong phiên hôm qua. Mức lợi suất cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.

Tuy vậy, giá bạc nhận được mức tăng mạnh hơn 2% do một số lo ngại về nguồn cung. Tại Mexico, quốc gia khai thác bạc lớn nhất thế giới, đang phải trải qua tình trạng mưa lũ nặng nề kể từ cuối tuần trước. Bão Hilary đã quét qua Mexico và gây ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến điện lưới nhiều khu vực. Điều này làm gia tăng lo ngại hoạt động khai thác bị gián đoạn và đe dọa tới nguồn cung bạc trong ngắn hạn.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, nối tiếp đà tăng từ cuối tuần trước, giá đồng COMEX tiếp tục tăng 0,34% lên 3,71 USD/pound trong khi giá quặng sắt tăng 0,53%, chốt phiên tại mức 107,42 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng gần 3 tuần.

Trong phiên hôm qua, cả giá đồng và quặng sắt đều được hỗ trợ sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo hạ lãi suất nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế. Cụ thể, vào sáng ngày 21/08, PBOC tuyên bố hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm xuống còn 3,45% từ mức 3,55%, tương đương giảm 10 điểm cơ bản.

Quyết định của PBOC được đưa ra sau khi Trung Quốc cho biết họ sẽ phối hợp hỗ trợ tài chính để giải quyết các vấn đề nợ của chính quyền địa phương và tích cực cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, các quan chức cho biết trong cuộc họp vào Chủ nhật ngày 20/08.

Hơn nữa, đối với quặng sắt, các nhà phân tích tại ANZ cho biết giá quặng sắt được hỗ trợ khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc không cắt giảm sản lượng nhiều như lo ngại trước đó. Theo China Iron and Steel Industry, sản lượng thép trung bình hàng ngày ở Trung Quốc giai đoạn 1-10/08 là 2,954 triệu tấn, cao hơn 0,8% so với bình quân tháng 7 và tăng 9,1% cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, sản lượng thép tiếp tục tăng lên có thể khiến các nhà máy sản xuất thép phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc kiểm soát sản lượng trong giai đoạn tháng 8-12.

Giá ngô quay đầu giảm mạnh

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/08, giá ngô quay đầu giảm mạnh hơn 2% sau chuỗi 3 phiên hồi phục liên tiếp. Bất chấp mức tăng mạnh khi mở cửa trở lại vào đầu tuần, hoạt động xuất khẩu khả quan từ Ukraine đã khiến giá quay đầu suy yếu.

Các mô hình dự báo thời tiết cho thấy một đợt nắng nóng sẽ quay trở lại và mở rộng trên khắp khu vực Trung Tây của Mỹ. Nhiệt độ cao hơn mức bình thường sẽ tăng cường trên các khu vực canh tác chính vào đầu tuần này và kéo dài trong khoảng 5-7 ngày tới. Dự báo ngày càng chắc chắn hơn về thời tiết tiêu cực ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ ngô đã khiến cho giá tạo gapup và bật tăng mạnh khi mở cửa.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 22/8/2023: Giá dầu quay đầu giảm trước một số dấu hiệu nguồn cung hồi phục
Bảng giá nông sản

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu tại Ukraine đón nhận các tín hiệu tích cực đã tạo sức ép và khiến giá ngô quay đầu suy yếu. Ukraine đang có kế hoạch mở rộng tuyến đường mới trên biển Đen để vận chuyển ngũ cốc sau khi các tàu chở hàng được di tản thành công trên tuyến đường này vào tuân trước. Quốc gia này công bố một “hành lang nhân đạo” ôm sát bờ biển phía tây của vùng biển gần Romania và Bulgaria. Một tàu Container bị mắc kẹt tại cảng Odesa đã di chuyển an toàn trên tuyến đường này vào tuần trước. Theo đó, phó chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Ukraine cho biết các tàu vận chuyển ngũ cốc có thể sẵn sàng di chuyển trên các tuyến đường thay thế. Thông tin này càng củng cố thêm về triển vọng xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, từ đó tác động “bearish” đến giá.

Tương tự như diễn biến của ngô, giá lúa mì đóng cửa trong sắc đỏ và ghi nhận mức giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Thông tin Ukraine có thể xuất khẩu qua con đường thay thế các cảng truyền thống cũng tạo sức ép với lúa mì. Bên cạnh đó, triển vọng nguồn cung tại Nga cũng là thông tin gia tăng áp lực cạnh tranh tới giá CBOT.

Giá lúa mì xuất khẩu của Nga giảm trong tuần trước, trong bối cảnh xuất khẩu tăng cao và dự báo sản lượng bội thu tại Nga. Giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein tại các cảng trên Biển Đen của Nga đạt 245 USD/tấn trong tuần trước, giảm so với mức 250 USD/tấn một tuần trước đó, dữ liệu của hãng tư vấn IKAR cho thấy. IKAR vào tuần trước đã nâng dự báo sản lượng lúa mì năm 2023 của Nga lên mức 89,5 triệu tấn, lần thứ 2 trong tháng 08.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội