A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường bất động sản không còn hiện tượng đầu cơ?

“Nếu nhà đầu tư mua vào thời điểm này thì một vài tháng nữa không bán được. Hay nếu có bán được thì cũng lỗ, nên không ai dại đầu cơ”, đó là nhận định TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

 

Thị trường bất động sản không còn hiện tượng đầu cơ?

Sự trầm lắng của thị trường địa ốc

Trong talkshow diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở trong một giai đoạn trầm lắng của thị trường”. Theo ông Đính, dù thị trường được đánh giá là có tiềm năng nhưng lại xuất hiện rất nhiều dấu hiệu bất ổn.

Điển hình như nguồn cung thị trường quá khan hiếm và thiếu sản phẩm hấp dẫn nhà đầu tư. Thị trường đang lệch lạc về nguồn cung và cơ cấu sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp, người mua nhà gặp khó từ việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Dẫn báo cáo quý III của VARS, theo ông Đính, hiện tượng đầu cơ gần như không còn nữa. Đầu cơ là muốn mua bất động sản có lãi ngay. Tuy nhiên tình trạng này hiện không còn vì giá bất động sản đang rất cao, từ Hà Nội, TP.HCM, đến cả những nơi rất xa như cao nguyên… “Nếu nhà đầu tư mua vào thời điểm này thì một vài tháng nữa không bán được. Hay nếu có bán được thì cũng lỗ, nên không ai dại đầu cơ”, ông Đính nói thêm.

Thị trường bất động sản không còn hiện tượng đầu cơ? - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ).

Trong khi đó, ông Bùi Hiền, Chủ tịch HĐQT Southern Group Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản năm 2022 khá đặc biệt so với các giai đoạn trước. Đó là một giai đoạn nhiều cảm xúc.

Cụ thể, giai đoạn đầu năm vẫn còn dư âm của các cơn sốt đất khắp Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, vùng núi đến ven biển. Ông Hiền nhấn mạnh, chưa có giai đoạn nào sốt đến như giai đoạn đầu năm vừa qua. Đến giai đoạn giữa năm, thị trường bắt đầu chùng lại sau khi đã trải qua quá nhiều giai đoạn sốt đất.

Thị trường bắt đầu bị ảnh hưởng giữa xung đột Nga và Ukraina. Khi kinh tế bị ảnh hưởng, các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, thị trường bất động sản cũng bị ảnh hưởng.

Đến giai đoạn cuối năm, Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách quản lý chặt về dòng vốn và trái phiếu khiến thị trường thêm trầm lắng.

Ông Hiền kỳ vọng, sau hàng loạt các chính sách điều hành, hy vọng thị trường bất động sản sẽ phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững hơn.

Phân khúc bất động sản nào tiềm năng?

Trước câu hỏi: “Đầu tư vào phân khúc bất động sản nào trong giai đoạn hiện nay?”, TS. Nguyễn Văn Đính đánh giá 3 loại hình: Đô thị, đô thị nghỉ dưỡng và công nghiệp sẽ hút dòng tiền đầu tư.

Vị chuyên gia này phân tích, nhà ở đô thị tại các vùng quê, giá bất động sản khó tăng vì không có hoạt động phát triển kinh tế, không tạo ra sự tăng giá trị cho bất động sản. Khu vực đó sẽ không có sức hút để các nhà đầu tư, đầu cơ tham gia.

Do đó, bất động sản chỉ tạo ra giá trị và tăng giá ở những khu vực có sự năng động và phát triển kinh tế. Ví dụ như ở Hà Nội và TP.HCM, thị trường bất động sản không khi nào “nằm im”, kể cả trong giai đoạn trầm lắng. Hiện nay như Hà Nội, bất động sản nhà ở, chung cư đều khan hiếm. Tại thời điểm này, căn hộ chung cư cứ ra hàng là hết và giá tăng mạnh vì thiếu nguồn cung, tính hấp dẫn và tăng giá trị rất mạnh.

Về bất động sản du lịch, lý do mà ông Đính đánh giá cao loại hình này xuất phát từ định hướng du lịch là kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Chính phủ đang đưa ra hàng loạt chiến lược hỗ trợ cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn, rất mạnh cho ngành du lịch. Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành, từ khí hậu, cảnh quan, bờ biển, đến hạ tầng giao thông, lưu trú đang phát triển. Đặc biệt, mặt bằng giá bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam bằng khoảng 1/10 so với các nước Singapore, Thái Lan.

“Theo chiến lược phát triển của Chính phủ, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 30 cường quốc phát triển du lịch trên thế giới. Khi đó, giá trị của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ tăng trưởng rất lớn”, ông Đính nhấn mạnh.

Với bất động sản công nghiệp, theo ông Đính, Việt Nam đang đón bắt dòng dịch chuyển công nghiệp từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Theo thống kê, hầu hết các khu công nghiệp ở Việt Nam gần như được đạt 100% tỷ lệ lấp đầy, còn lại là lấp đầy lên tới 80%. Các khu công nghiệp đã tạo ra việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương. Từ đó sẽ kéo theo các loại hình bất động sản nhà ở, dịch vụ phát triển để phục vụ khu công nghiệp.

Hải Nam

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội