Tết ông Công ông Táo: Sức mua tăng, giá bán ổn định
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), thị trường đồ lễ cúng trong ngày lễ này đã sớm khởi động, giá cả các mặt hàng không có nhiều biến động so với mọi năm.
Chợ truyền thống tấp nập
Tết ông Công, ông Táo năm nay diễn ra vào thứ Sáu (2/2/2024), nhưng theo Lịch vạn niên, tháng Chạp năm Quý Mão có 3 ngày đẹp để tiến hành cúng Táo quân là ngày 20, 21 và 23 tháng Chạp. Vì thế, ngay từ thời điểm này người dân Thủ đô đã sớm chuẩn bị đồ lễ cho mâm cúng tiễn đưa ông Táo về trời.
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại chợ truyền thống Hà Nội như Hàng Bè, Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), Kim Liên (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình)… tiểu thương đã bày bán những mặt hàng cúng Tết ông Công ông Táo với mẫu mã đa dạng.
Chị Xuân kinh doanh vàng mã tại chợ Kim Liên cho biết, trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo thì mặt hàng vàng mã là đồ không thể thiếu. Hiện giá bán những bộ Táo quân không thay đổi so với năm ngoái, dao động trong khoảng 50.000 - 200.00 đồng/bộ (tùy kích thước, chất lượng), các sản phẩm tiền vàng, thỏi vàng thần tài... có giá từ 10.000-25.000 đồng/lễ...
Bên cạnh đồ cúng vàng mã, cá chép cũng là vật không thể thiếu trong ngày lễ này. Theo chị Kim Anh, kinh doanh thủy sản tại chợ Thành Công, hiện giá cá chép đỏ phong sinh với đủ loại kích cỡ, được bán với mức giá 40.000 - 50.000 đồng/3 con. “Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng theo phong tục cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp, ông Công và ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời, nên nhà nào cũng mua cá chép về thắp hương. Vì vậy, tôi chủ động nhập nhiều hàng để phục vụ người dân mà không lo ế” - chị Kim Anh cho hay.
Ngoài cá chép sống, năm nay thay vì cúng cá như mọi năm, nhiều người còn cung cấp các mẫu cá chép bằng xôi, thạch, bánh trôi cá chép với giá dao động từ 30.000 - 100.000 đồng.
Trong ngày này, hoa tươi cũng là mặt hàng khá đắt khách, tuy nhiên do thời tiết giá rét, sức mua tăng cao nên giá bán mặt hàng này đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Hiện, các loại hoa tươi như hoa cúc, hoa hồng giá từ 8.000 - 15.000 đồng/bông, hoa ly giá 15.000 đồng/cành, cành đào từ 50.000 - 200.000 đồng cành.
Tương tự, những mặt hàng trái cây, cau tươi giá bán cũng tăng nhẹ, hiện bưởi Diễn có giá 20.000 - 35.000 đồng/quả, quýt Sài Gòn 35.000 - 40.000 đồng/kg, cam canh giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, xoài 50.000 - 65.000 đồng/kg... Đặc biệt giá phật thủ tăng cao rõ rệt so với ngày thường, hiện được bày bán với mức 30.000 - 80.000 đồng/quả, giá cau tươi tăng gần như gấp đôi ngày thường, dao động 15.000 - 18.000 đồng/lễ.
Theo thông lệ, vào ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ mặn, hương hoa dâng cúng. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều nhà hàng, cá nhân đã cung cấp các dịch vụ lễ cúng Táo quân trọn gói, bao gồm cả hàng mã, cá vàng, trầu cau, đồ cúng chay, đồ cúng mặn… với giá từ 1-1,3 triệu đồng/mâm tùy theo lựa chọn của từng khách hàng.
Mua bán online đắt hàng
Chị Vũ Kiều Linh, chủ gian hàng online Bếp của Linh cho biết, nhiều người vẫn chuộng mâm cỗ bao gồm các món truyền thống của người Hà Nội như giò tai lưỡi xào kiểu cổ truyền, nem Hà Nội, canh bóng thả, chả quế…
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua đồ cho mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo tại hệ thống chợ truyền thống các tiểu thương còn đưa ra các món ăn nấu sẵn. Chủ cửa hàng Lân Chỉnh tại chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm) cho biết, hiện gà ta luộc sẵn là 230.000 đồng/kg, canh măng, canh bóng 150.000 đồng/bát, chim quay 120.000/con, tôm chiên 180.000 đồng/6 con, nộm 50.000 đồng/đĩa, xôi gấc 45.000-80.000 đồng/đĩa…
Ngoài bán trên thị trường truyền thống, tại các diễn đàn, trang mạng xã hội như Zalo, Facebook cũng rao bán rầm rộ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo. Để thu hút khách, các đơn vị này còn áp dụng chính sách miễn phí giao hàng.
Sức mua trong những ngày cận Tết đã tăng khiến người tiêu dùng lo lắng giá bán sẽ tăng đột biến. Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để ngăn chặn tình trạng tăng giá đột biến TP Hà Nội đang tập trung triển khai Chương trình “Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu”.
Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình ký cam kết bình ổn giá, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thủy, hải sản...Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức các hoạt động kết nối khai thác nguồn hàng từ các tỉnh đưa về Hà Nội với giá bán hợp lý, ổn định, qua đó đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Thủ đô