Sát Tết, thị trường vàng, USD ảm đạm
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán năm 2023, giá vàng tăng nhưng nhu cầu mua bán vàng, USD của người dân sụt giảm mạnh so với trước kia.
Sau một năm biến động, trải qua tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023, tỷ khá trầm lắng. Giá USD liên tục giảm. Tại nhiều ngân hàng thương mại, ngày 9/1, giá USD quanh mức 23.300 - 23.600 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Trên thị trường “chợ đen”, giá 1 USD ở mức 23.630 - 23.700 đồng (mua vào - bán ra). Khảo sát của PV Tiền Phong tại một số tuyến phố có nhiều cửa hàng đổi USD tự do ở Hà Nội như Hà Trung, dễ thấy hoạt động mua bán USD không sôi động như những năm trước. Với khách hàng có nhu cầu mua bán ngoại tệ, cửa hàng có dịch vụ giao tiền tại nhà. Khoản tiền giao dịch từ 10.000 USD trở lên được miễn phí giao hàng.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn vàng là kênh đầu tư ưa chuộng năm nay, nhất là để ứng phó với lạm phát. Đầu giờ sáng 9/1, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.877 USD/ounce, tăng 12,1 USD/ounce so với hôm trước. Giá vàng giao tương lai tháng 2 trên sàn Comex New York ở mức 1.881,7 USD/ounce, tăng 15 USD/ounce so với phiên hôm trước. Giá vàng đang ở mốc cao nhất trong vòng 6 tháng qua.
Thế nhưng, vàng trong nước ngày 9/1 chỉ ở mức 67 triệu đồng/lượng. Cụ thể, vàng SJC của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,3 - 67,2 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra. Vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại: 53,5 - 54,4 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, thị trường vàng trong nước hiện nay kém sôi động do chịu tác động từ chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.
“Ngân hàng Nhà nước nên cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang. Hiện các doanh nghiệp không có nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất vàng nữ trang mà chủ yếu mua trôi nổi từ thị trường, do đó giá vàng không ổn định”, ông Long nói.
Theo Ngọc Mai - Ngọc Linh
Tiền phong