Nhà cho thuê Hà Nội 'cháy hàng' dù giá tăng gấp đôi
Mặt bằng giá phân khúc nhà cho thuê tại Hà Nội đang được đẩy cao so với đầu năm 2022, có nơi giá tăng gấp đôi nhưng vẫn "cháy hàng" trong khi phân khúc biệt thự ở TP HCM lại ế ẩm vì tăng giá gấp 3 lần.
Nhà cho thuê “cháy hàng”
Hai tháng qua, anh N.V.T (32 tuổi), môi giới nhà cho thuê khu vực quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vô cùng bận rộn với việc đưa khách đi xem phòng. Nguyên nhân là sau COVID -19, lượng sinh viên và người lao động đổ về Hà Nội tăng đột biến.
“Chưa năm nào mà nhu cầu tìm thuê nhà ở Hà Nội bùng nổ như năm nay. Có ngày tôi trả lời điện thoại từ sáng đến tối mà vẫn chưa hết khách. Cùng với đó, giá nhà cho thuê cũng tăng theo mức chóng mặt, có phòng tăng giá hơn gấp đôi mà khách không chần chừ thuê luôn. Vì họ chỉ chậm một chút là đã có người khác thuê mất”, anh T nói.
Không chỉ với khách mới, giá nhà cho thuê của khách đã ổn định cũng bị tăng theo mặt bằng chung của thị trường.
Nhiều môi giới cho biết, việc giá nhà cho thuê tăng cao một phần liên quan đến nhu cầu của khách hàng. Một phần là do nhà đầu tư đang tập trung vào phân khúc này thay vì mua đất nền hay chung cư. Bởi lẽ, đất nền và chung cư tăng giá quá mạnh, nếu tham gia thị trường, họ phải bỏ vốn quá nhiều trong khi thời gian quay vòng vốn lâu. Vì thế, nhiều người chuyển hướng chăm chút cho phân khúc nhà cho thuê, nhất là chung cư mini đang “ cháy hàng ”.
Giá nhà cho thuê tại Hà Nội tăng gấp đôi nhưng vẫn "cháy hàng".
Qua khảo sát thực tế nhận thấy hiện tại mặt bằng giá phân khúc nhà trọ đã được đẩy cao so với thời điểm đầu năm 2022. Tại các điểm nóng về nhà cho thuê như quanh các trường đại học lớn liên tục “cháy phòng”, nhất là ở phân khúc cho thuê có chất lượng cao, được chủ nhà đầu tư, trang bị thêm nội thất.
Trong khi đó, phòng trọ Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm) đã tăng khoảng 15%, từ mức giá phổ biến 1,5-1,9 triệu đồng/tháng tăng lên 1,7-2,2 triệu đồng/tháng. Phân khúc chung cư mini Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng cũng tăng 10-20%, từ mức 2,8-4 triệu đồng/tháng lên 3,2-5 triệu đồng/tháng.
Mặt bằng giá thuê phòng trọ của quận Thanh Xuân hiện dao động ở mức 1,5 - 2,7 triệu đồng/tháng. Phân khúc chung cư mini chứng kiến mức tăng mạnh hơn cả, đạt trung bình 20%, dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Giá thuê phòng trọ Định Công, Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cũng tăng khoảng 10-15%, dao động từ 1,4-1,8 triệu đồng/tháng lên mức 1,6-2,2 triệu đồng/tháng. Chung cư mi ni tăng khoảng 10%, từ 2,8-3,5 triệu đồng/tháng lên mức 3-3,7 triệu đồng/tháng.
Thực trạng tăng giá cũng diễn ra tại các khu vực tập trung nhiều phòng trọ khác của Hà Nội như Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm), Cầu Diễn, Nhổn, Gốc Đề, Đồng Tâm, Minh Khai (Hai Bà Trưng), khu vực đường Chiến Thắng, Mỗ Lao (Hà Đông)…
Thậm chí, nhiều chung cư mini có giá thuê từ 3- 4 triệu đồng/tháng nay đã tăng lên 5 – 6 triệu đồng, chỉ cần có khách trả phòng là ngay lập tức có người khác đến thuê “lấp” vào. Vì thế, một số môi giới chuyên mảng cho thuê nhận định, với tình trạng lạm phát, giá bất động sản tăng như hiện tại thì giá thuê trọ khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nhà phố, biệt thự tăng giá gấp 3 lần trong một năm
Chia sẻ mới đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, thanh khoản của nhà liền thổ TP HCM đang rất thấp do lượng người mua hạn chế và giá bán cao và điều này trở thành rào cản khiến nhà phố, biệt thự TP HCM vượt tầm với nhiều người mua.
Đáng chú ý, giá chào bán biệt thự tại TP HCM trong Quý III/2022 trung bình vào khoảng 285- 400 triệu đồng/m2, tăng gấp 3 lần so với giá cùng kỳ năm 2021. Loại hình nhà phố thương mại cũng ghi nhận giá sơ cấp tăng 13%, giá thứ cấp tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong quý này, chỉ có hơn 800 căn nhà liền thổ mở bán nhưng chưa đến 40% nguồn cung được tiêu thụ.
Theo lãnh đạo CBRE Việt Nam, trong bối cảnh siết tín dụng và lãi suất tăng cao, việc giá nhà liền thổ quá đắt đỏ khiến lượng người mua hạn hẹp đi. Bên cạnh đó, giá bán sơ cấp cao, thậm chí xuất hiện mức giá ảo đang làm lợi nhuận đầu tư của dòng sản phẩm này chịu ảnh hưởng.
CBRE cho biết, giá chào bán biệt thự tại TP HCM trong Quý III/2022 tăng gấp 3 lần so với giá cùng kỳ năm 2021. (Ảnh minh họa)
Do đó, nhìn chung biệt thự, nhà phố đang là phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, nếu thực trạng này kéo dài, không ít nhà đầu tư sẽ phải cân chỉnh lại thị trường đầu tư nếu muốn tiếp tục tham gia phân khúc nhà liền thổ.
Đồng quan điểm, ông Troy Griffiths, Phó TGĐ Savills Việt Nam nhìn nhận, ở góc độ vĩ mô, khi lãi suất gửi ngân hàng tương đối thấp sẽ có lợi cho thị trường BĐS liền thổ. Ngược lại, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng gia tăng trong bối cảnh thị trường đầu tư nhìn chung đang có nhiều biến động, ngân hàng lại trở thành kênh đầu tư có lợi hơn. Giá BĐS liền thổ liên tục tăng cao khiến sức hấp thụ thực tế của phân khúc này rất khó đoán, chưa kể việc sang nhượng trên thị trường thứ cấp cũng không dễ dàng.
Bên cạnh đó, dù bất động sản liền thổ luôn là kênh gửi gắm dòng tiền trong bối cảnh lạm phát nhưng với mức giá hiện tại, nếu không có sự hỗ trợ dòng vốn từ ngân hàng, sẽ rất khó khăn và hạn chế cho khách hàng muốn mua sản phẩm này tại TP HCM.
Theo Savills, dự kiến đến năm 2025, nguồn cung nhà phố, biệt thự tại TP HCM đạt hơn 9.500 căn. Trong đó, 80% nguồn cung đến từ TP Thủ Đức và khu Tây Nam TP HCM. Do đó, việc nguồn cung hạn chế sẽ càng khiến giá bất động sản liền thổ biến động phức tạp hơn trong tương lai gần .
Theo Lập Đông
Tiền phong