Nghịch lý người nuôi lỗ lớn, giá thịt lợn ở chợ vẫn cao
Giá lợn hơi trên cả nước vẫn giảm từng ngày nhưng giá thịt lợn tại siêu thị, chợ dân sinh vẫn ở mức cao, điểm cuối cùng thua thiệt vẫn là người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Người chăn nuôi lỗ nặng
Là người chăn nuôi lợn đã từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Đức Trọng ở huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết, trước đây trại chăn nuôi của anh có đến vài trăm đầu lợn thịt mỗi lứa. Song từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lợn nuôi trong trại của anh giảm hẳn. Hiện anh chỉ duy trì 4 đôi lợn nái và khoảng 30 con lợn thịt, không dám tăng đàn vì giá bán quá thấp.
“Trại nuôi đã tiết giảm mọi chi phí để chăn nuôi có lãi cao hơn, nhưng giá lợn giảm thấp từng ngày khiến nguồn lực khó trụ vững. Dù chủ động được nguồn con giống nên chi phí đầu vào được giảm đáng kể, nhưng giá thức ăn vẫn cao, chi phí thuốc men phòng chống dịch, chi phí chăm sóc, chuồng trại…không thể thiếu, nên cộng các khoản để nuôi 1 con lợn đạt trọng lượng 100kg mất đến trên 5 triệu đồng. Với giá bán như hiện nay, trại đang lỗ từ 300.000 – 400.000 đồng/con nên càng nuôi nhiều lỗ càng lớn”, anh Trọng cho biết.
Từ chăn nuôi lợn hộ gia đình cho đến mô hình trang trại dịp này đều thua lỗ do giá lợn hơi xuống thấp.
Cùng cảnh với anh Trọng nhưng ở mức độ thấp hơn, anh Đỗ Văn Bình ở Đông Anh, Hà Nội cho biết, vừa bán 1 lợn thịt 90kg sau gần 6 tháng nuôi với giá 48.000 đồng/kg, nên chỉ thu về được hơn 4,3 triệu đồng. Trong khi đó, tiền giống đã phải bỏ ra 2,8 triệu đồng, thức ăn và tiêm phòng dịch gần 2 triệu đồng, đó là chưa tính công chăm sóc, tiền điện, nước… nên lỗ nặng mà không biết kêu ai. “Tôi treo chuồng hoặc sẽ nuôi loài khác có kinh tế hơn”, anh Bình ngán ngẩm.
Nhu cầu tiêu thụ giảm thấp
Với giá lợn hơi thấp như hiện nay ai cũng nghĩ giá thịt bán tại các chợ, siêu thị sẽ giảm sâu, nhu cầu sử dụng thịt sẽ tăng lên nhưng thực tế lại khác. Khảo sát tại các siêu thị và chợ truyền thống tại Hà Nội ngày 22/3 cho thấy, giá thịt các loại dù có giảm so với dịp Tết Nguyên đán vừa qua, song mức giảm không đáng kể và vẫn duy trì ở mức quá cao so với giá lợn hơi.
Lượng tiêu thụ thịt lợn chậm, tiểu thương nhập hàng ít hơn.
Cụ thể, giá thịt heo tại một số siêu thị tại Hà Nội vẫn đang ở trong khoảng 60.000 - 150.000 đồng/kg. Thịt chân giò, nạc vai đang có giá bán 88.000 đồng/kg và 96.000 đồng/kg; thịt 3 chỉ 120.000 đồng/kg; sườn các loại 95.000 đồng/kg; thịt thăn 100.000 đồng/kg và thịt xay có giá 95.000 đồng/kg. Trong khi đó tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn dao động trong khoảng từ 80.000 - 125.000 đồng/kg. Thịt 3 chỉ 110.000 đồng/kg; sườn non 125.000 đồng/kg, thịt nạc vai, chân giò đang là 95.000 đồng/kg…
Đáng chú ý là tại các siêu thị và các chợ truyền thống dịp này lượng tiêu thụ thịt lợn giảm rõ rệt. Trước đây, chỉ khoảng 10 giờ sáng là các quầy thịt đã gần như bán hết, nhưng hôm nay cho đến 11 giờ trưa lượng thịt tại các quầy vẫn còn khá nhiều, số người mua thịt lợn rất ít.
Đã gần trưa nhưng lượng thịt tại các quầy vẫn còn khá nhiều.
Anh Đinh Tiến Thắng, bán thịt tại chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ hơn 1 tháng nay lượng thịt bán ra ở chợ này giảm, tốc độ tiêu thụ rất chậm nên mỗi ngày các tiểu thương phải giảm bớt lượng nhập từ đầu mối mới mong bán hết được hàng.
“Trước và sau Tết có ngày tôi bán cả tạ thịt nhưng gần đây ngày nhiều chỉ bán được khoảng 40kg. Số người bán trong chợ vẫn vậy và lượng thịt nhập về đã giảm đi, giá bán cũng đã hạ hơn trước nhưng nhu cầu của người dân rất thấp, có thể do người dân hạn chế chi tiêu hoặc họ có nhu cầu mua các loại thực phẩm khác”, anh Thắng chia sẻ.
Dân buôn vẫn lãi đậm
Tìm hiểu lý do từ nhiều người nội chợ cho thấy, nhu cầu về thịt lợn và các loại thực phẩm khác vẫn là không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, họ tiếp nhận thông tin thời gian gần đây giá thịt lợn hơi giảm rất mạnh, nhưng giá bán thịt lợn tại các siêu thị, chợ dân sinh giảm không đáng kể nên đã không khuyến khích tiêu dùng. Bởi lẽ, ngoài thịt lợn trên thị trường còn nhiều loại thịt khác giá rẻ và đủ chất dinh dưỡng để cho họ lựa chọn.
Thịt lợn giá cao, người tiêu dùng chuyển hướng sang các loại thực phẩm khác.
Như vậy việc giảm nhu cầu về thịt lợn có phần nguyên nhân ở giá bán đến tay người tiêu dùng. Theo tính toán từ nhiều chuyên gia cũng như tiết lộ từ một số người buôn bán thịt lợn, giá thịt lợn khó giảm sâu do tốn quá nhiều chi phí. Đặc biệt, qua mỗi khâu trung gian, 1 kg thịt lợn từ chuồng nuôi đến chợ đã tăng giá từ vài chục đến vài trăm %.
Vì từ khi thu mua tại chuồng nuôi đến cơ sở giết mổ, giá thịt sẽ cộng thêm chi phí vận chuyển, giết mổ và kiểm dịch từ 200.000 – 300.000 đồng/con. 100 kg lợn hơi qua giết mổ sẽ thu được khoảng trên 70kg thịt móc hàm để bán cho người bán lẻ với mức từ giá từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ qua thu mua và giết mổ 1 con lợn, người buôn đã có lãi tiền triệu. Tương tự, tiểu thương bán lẻ khi pha lợn ra các phần thịt có giá bán khác nhau, mức giá chênh lệch tiếp tục cao hơn là điều dễ hiểu.
Chăn nuôi và tiêu thụ theo hướng mới?
Từ thực trạng chăn nuôi và tiêu thụ thịt lợn hiện nay, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, sở dĩ vẫn có tình trạng khủng hoảng nguồn cung thiếu - thừa thịt lợn là do công tác quy hoạch chưa bài bản. Đặc biệt, khâu chế biến và tiêu thụ thịt lợn chưa tổ chức được hệ thống, nên giữa giá lợn hơi đến thịt lợn thành phẩm vẫn chênh lệch rất cao, các khâu trung gian ăn lãi quá nhiều trong suốt quá trình này.
“Đơn cử như tiểu thương bán thịt tại các chợ, hiện nay do nhu cầu thấp nên họ cũng không nhập nhiều hàng để bán, ước tính vào khoảng 30 – 40kg/ngày nên khó lấy số lượng để bù cho giá bán. Tuy nhiên, nếu tính số lãi của 1 tiểu thương mỗi ngày khiêm tốn chỉ khoảng 300.000 đồng, chia cho lượng thịt bán ra sẽ thấy giá mỗi cân thịt đã tăng thêm trên 10.000 đồng”, ông Thủy tính toán.
Với giá bán lợn tại chuồng quá rẻ như hiện nay, ông Thủy cho rằng nhiều người nuôi đứng trước tình trạng phá sản, trực tiếp dẫn đến việc không còn dư địa cho chăn nuôi lợn hộ gia đình. Bởi giá thành chăn nuôi mô hình hộ gia đình đang ở mức từ 54.000 – 56.000 đồng/kg lợn hơi; giá thành tại các trang trại và các tập đoàn sẽ dao động từ 52.000 – 54.000 đồng/kg nhưng giá bán chỉ được từ 48.000 – 50.000 đồng/kg sẽ không thể tránh khỏi thua lỗ. Các mô hình trang trại hay các tập đoàn chăn nuôi lớn nếu may mắn và tính toán kỹ mới đủ sức cầm cự.
Giống lợn bản địa tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa, dễ chế biến.
Do đó, trong bối cảnh mức tiêu thụ thịt thấp như hiện nay, khi nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân đang giảm xuống (còn 23,5kg/năm và còn có thể giảm tiếp) để chuyển sang các loại thực phẩm khác như hải sản, gia cầm và thịt bò… về dài hạn người nuôi cần cơ cấu lại đàn lợn của mình.
Cụ thể, đây là lúc người chăn nuôi phải nhìn lại và củng cố hệ thống chuồng trại theo phương pháp đệm lót sinh học. Phương pháp này vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa đẩy lùi đến 70% nguy cơ dịch bệnh - thường là khoản thua lỗ rất lớn cho người nuôi trong nhiều năm qua. Cùng với đó, người nuôi nên chuyển hướng sang chăn nuôi giống lợn bản địa, vì loại lợn này sẽ tận dụng được các nguồn thức ăn dư thừa, hoặc thức ăn dễ dàng được chế biến từ các loại cây có hạt như ngô, đậu tương… ít nhiều được gieo trồng từ nguồn đất đai sẵn có.
Đối với khâu tổ chức chăn nuôi, phân phối thịt lợn, ông Thủy cho rằng nên quy hoạch lại việc phân khu nguồn cung và chia phân khúc tiêu dùng. Hướng mới sẽ là để các tập đoàn chăn nuôi tổ chức nuôi và xuất khẩu thịt lợn; các trang trại nuôi và cung cấp thịt lợn cho siêu thị; để mô hình chăn nuôi theo hộ gia đình cung cấp thịt cho các chợ dân sinh hay các khu vực sở tại.
Ngoài ra, trong những lúc nguồn cung dồi dào, cơ quan quản lý cần tổ chức thu mua lợn cho người nuôi trên mức giá thành, đưa mặt hàng thịt lợn vào diện dự trữ từ 6 - 8 tháng để ổn định thị trường. Cùng với đó, nhà nước cần có chính sách giảm bớt khâu trung gian, hạn chế nhập khẩu thịt lợn mát để đảm bảo cho người nuôi có lãi và người tiêu dùng được hưởng nguồn thực phẩm thiết yếu theo đúng giá trị thật.