Năm 2021: ‘Sốt’ đất khắp nơi, giá đất ‘nhảy múa’ nhưng thực tế mảnh đất bán rẻ hơn thị trường vẫn không ai mua
2021 một năm đáng nhớ của thị trường bất động sản với những cơn ‘sốt’ đất khắp nơi khiến giá đất ‘nhảy múa’ như 'lên đồng'. Dù dịch bệnh nhưng giá nhà lại không giảm mà tăng liên tục trong năm, dự báo sang năm 2022 cũng khó giảm.
“Sốt” đất khắp nơi, giá đất ‘nhảy múa’
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, tạo ra những cơn sóng “sốt đất” khó tin.
Theo đó, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến hàng loạt cơn sốt đất trên diện rộng ở nhiều tỉnh như Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất), Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), Ninh Bình (huyện Gia Viễn), Thanh Hóa (huyện Quảng Xương), Bình Phước (huyện Hớn Quảng), TP.HCM (TP. Thủ Đức)...
Năm 2021 đã xảy ra những 'cơn sốt’ đất diện rộng, giá đất ‘nhảy múa’ như 'lên đồng'....
Cụ thể, chuyến khảo sát của PV Infonet tại một số khu vực ở Hà Nội như Đông Anh, Long Biên, Thanh Trì… hồi đầu năm cho thấy, giá đất đã tăng chóng mặt. Từ những mảnh đất nằm ngoài đê tại Long Biên trước chỉ có giá 20-30 triệu đồng/m2 thì đã được đẩy lên 50-60 triệu đồng/m2. Hay những mảnh đất nông nghiệp mua bán bằng giấy viết tay, giá thấp nhất môi giới cũng “hô” 12 triệu đồng/m2… Xa hơn nữa, nhiều mảnh đất trong làng, mặt đường lớn ở huyện Đông Anh có giá rao bán dao động 40-70 triệu đồng/m2....
Thậm chí tại thôn Dy, xã Minh Quang (Ba Vì), đất nông nghiệp cũng tăng giá vùn vụt, từ vài năm trước giá đất nơi đây chỉ 40 triệu đồng/sào (360m2), sau đó cứ tăng dần lên các mức giá 60 triệu đồng, 100 triệu đồng, rồi 120 triệu đồng/sào, cao nhất là vài trăm triệu mỗi sào, tùy khu vực và diện tích.
Không riêng gì Hà Nội, giá đất nhiều tỉnh như Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa... cũng tăng mạnh. Theo đó, tại tại TP Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng... là những nơi có giá đất tăng khoảng từ 50-70% so với cuối năm 2020, giá đất dao động từ 25-40 triệu đồng/m2.
Tại Hải Phòng, ở các vùng ven thành phố, hoạt động mua bán đất trong dân diễn ra sôi động. Giá hiện tại dao động 8-15tr/m2. So với cuối năm 2020, giá trung bình tăng 60-70%.
Tại Thanh Hóa, từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 – 60% so với cuối năm 2020. Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.
Giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kì năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.
Lãnh đạo ngành Xây dựng cho rằng, giá đất tăng khiến nhiều người dân bỏ cả công việc, bỏ cả sản xuất để đi kinh doanh đất, tạo nên hiện tượng sốt đất cục bộ và tạo nên những rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cũng như trên cả nước.
Chưa hết, năm 2021 là năm mà đất đấu giá “sôi sục” từ nông thôn đến thành phố. Trong đó nhiều cuộc đấu giá đất ở nông thôn mà có mức giá trúng cao gấp đôi, gấp ba giá khởi điểm.
Đáng chú ý nhất là phiên đấu giá đất Thủ Thiêm (TP.HCM), chung cuộc giá đất đẩy lên mức 2,4 tỷ đồng/m2, lập kỷ lục gây sững sờ trên thị trường bất động sản.
Giá nhà tăng liên tục
Mặc dù đại dịch Covid-19 kéo dài, thế nhưng giá nhà lại không giảm mà liên tục tăng. Thị trường bất động sản xuất hiện nhiều căn hộ, dự án có giá cao kỷ lục. Đáng chú ý, có cả hiện tượng chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền “đẩy giá” lên thành nhà trung cấp.
Mặc dù dịch bệnh kéo dài trong năm 2021 nhưng giá nhà không giảm mà lại liên tục tăng... |
Cụ thể, quý 1/2021, Bộ Xây dựng nhận xét, giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng do khan hiếm nguồn cung. Mức tăng giá bình quân khoảng 5 - 10% so với quý cuối năm ngoái.
Sang quý 2/2021, cũng theo Bộ Xây dựng, giá giao dịch tại hầu hết địa phương vẫn có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội vẫn tăng khoảng 5 - 7% so với quý 1.
Tiếp tục sang quý 3/2021, số lượng giao dịch giảm nhưng giá vẫn tiếp tục tăng. Do ảnh hưởng của Covid-19 nghiêm trọng trong quý này với việc giãn cách toàn thành phố trong vòng 2 tháng, số lượng căn bán được giảm mạnh song giá bán căn hộ vẫn tăng. Số liệu đưa ra cho thấy, giá bán sơ cấp trung bình căn hộ đạt 1.650 USD/m2, tăng 9,3%...
Nguyên nhân tăng giá căn hộ đến từ việc khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao. Cùng với đó, giá nhà tại các địa phương, khu vực tăng có thể do nguyên nhân khác như điều chỉnh địa giới hành chính, quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng…
Các chuyên gia đã khuyến cáo giá đất tăng cao bất thường, không nên đầu tư kẻo phải 'ôm bom' cắt lỗ, không đầu tư theo đám đông, hiệu ứng tâm lý.
“Người ta cứ kêu thị trường sốt, nhưng tôi rao bán gần 3 tháng không ai hỏi mua” - là câu chia sẻ thật lòng của một nhà đầu tư. Dù mảnh đất đẹp ở tỉnh kề Hà Nội, chủ đất rao bán giá thấp hơn thị trường 5% và cũng có 5-6 người hỏi mua nhưng chẳng mấy ai mặn mà, hỏi chỉ để khảo giá rồi đi.
Nhiều người trong cuộc khẳng định nói sốt thì sốt như thế nhưng thực tế lượng giao dịch thật không nhiều, chủ yếu môi giới thổi lên.
Bộ Xây dựng yêu cầu đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra “bong bóng” hoặc các diễn biến bất thường khác, dự báo tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới tại địa phương. Bên cạnh tăng cường giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông, gây bất ổn cho thị trường....