Không có chuyện tôm hùm giá 199.000 đồng/kg
Trên mạng xã hội có những lời quảng cáo tôm hùm có giá bán chỉ 199.000 đồng/kg, tuy nhiên thông tin này là không đúng.
Tôm hùm ứ đọng đầu ra
Người nuôi tôm hùm ở các tỉnh Nam Trung Bộ đang gặp khó. Tôm đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được, giá xuống thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian qua Trung Quốc liên tục đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch COVID-19.
Đơn cử như tỉnh Khánh Hòa hiện có gần có 64.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Sản lượng tôm hùm đạt hơn 1.000 tấn.
Người nuôi tôm hùm ở các tỉnh Nam Trung Bộ đang gặp khó. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhưng từ trước đến nay, chỉ có khoảng 20% sản lượng tôm hùm tiêu thụ nội địa, còn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và lệ thuộc vào thương lái thu mua. Vì vậy, ngay sau khi các cửa khẩu Trung Quốc tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình trạng ứ đọng đang diễn ra ở nhiều vùng nuôi.
Gần 4.000 con tôm hùm đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng do không bán được nên bà Sáng Xã (Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) phải vay mượn tiền để mua thức ăn cho tôm hàng ngày.
Vùng biển Đầm Môn, xã Vạn Thạnh hiện có khoảng 16.000 - 18.000 bè nuôi thủy sản, trong đó chiếm đến 70% là bè tôm hùm với số lượng lên đến khoảng 200.000 lồng.
Xuất khẩu tiểu ngạch phụ thuộc vào một thị trường nên đến vụ thu hoạch, người nuôi tôm không chỉ bất an về sức mua của chủ vựa, mà con lo lắng về giá cả lên xuống không ổn định. Đây không phải là lần đầu tiên tôm hùm bị ứ đọng khi đến kỳ xuất bán, nhưng thực tế này vẫn kéo dài và người nuôi luôn chịu thiệt thòi
Dù tình trạng này không phải xảy ra lần đầu, nhưng do việc xuất khẩu tiểu ngạch khá dễ dàng nên bà con cũng không muốn thay đổi. Do đó giống như với nhiều nông sản, cứ mỗi khi tôm không xuất khẩu được lại xuất hiện những lời kêu gọi giải cứu.
Không có chuyện tôm hùm giá 199.000 đồng/kg
Theo ghi nhận trên mạng xã hội có những lời quảng cáo tôm hùm có giá bán chỉ 199.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thông tin này là không đúng. Đây hầu hết là những bài viết cùng nội dung, các trang quảng cáo không có địa chỉ, không số điện thoại và ẩn toàn bộ bình luận. Nhiều người sau khi chuyển khoản ngay lập tức bị chặn tài khoản và mất tiền oan.
Những người làm trong nghề thu mua tôm hùm nhiều năm cho biết, ngay cả tôm chết cũng không có giá như vậy. Kể cả đợt giải cứu 2 năm trước, giá cũng từ 500.000 đồng/kg trở lên.
Hiện tôm hùm bông loại 1 (từ 1 kg/con trở lên) giá bán chỉ 1,4 triệu đồng/kg; loại 2 (0,7 - 1 kg/con) có giá 1,2 triệu đồng/kg; loại 3 (0,4 - 0,7kg/con) giá 1,1 triệu đồng/kg; tôm hùm xanh có giá 750.000 đồng/kg.
Tôm hùm đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được, giá xuống thấp. (Ảnh: TTXVN)
Trong khi trước Tết Nguyên đán, giá tôm hùm bông loại 1 tới 2,1 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh có giá 1 triệu đồng/kg.
Theo thống kê của Trạm Thủy sản Vạn Ninh, Khánh Hòa, trên địa bàn hiện có khoảng 34.000 lồng nuôi tôm hùm. Do khó khăn về đầu ra nên người dân đang nuôi khoảng 11.000 lồng, trong đó 70% nuôi tôm hùm bông.
Hướng đến nuôi tôm hùm xuất khẩu bền vững
Hai năm qua, cùng với tác động của dịch COVID-19, những người nuôi tôm hùm đã nhìn thấy rõ hệ lụy khi phụ thuộc vào một thị trường. Tình trạng ứ đọng, giá thấp sẽ còn lặp lại nếu cứ giữ tư duy cũ, cách làm cũ. Hướng đến nuôi tôm hùm xuất khẩu bền vững là con đường người nuôi ở nhiều vùng nuôi tôm hùm lựa chọn để có thể quyết định được giá bán, không phụ thuộc vào thương lái.
Huyện Vạn Ninh hiện đã có 5 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản an toàn được thành lập và đi vào hoạt động. Ngay trong lúc ứ đọng tôm hùm, thành viên của tổ hợp tác vẫn có thể bán tôm thông qua chuỗi liên kết. Tuy nhiên, toàn bộ sản phẩm xuất bán phải đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
"Làm theo mô hình nuôi tôm hùm sạch theo VietGAP cũng đem lại hiệu quả rất lớn cho bà con. Nuôi theo chuẩn VietGAP thì đầu ra đảm bảo", ông Trần Minh Hiền, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm hùm Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, cho biết.
"Ủy ban huyện đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để tiếp tục hỗ trợ cho địa phương duy trì việc sản xuất an toàn theo hướng VietGAP cũng như mở rộng các tổ hợp tác, các thành viên, thành lập mới các tổ hợp tác xã", ông Phạm Ngọc Luyện, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, cho hay.
Tuy nhiên, hiện tại khâu tổ chức thực hiện các chuỗi liên kết vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, vấn đề đầu ra ổn định cho sản phẩm là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh việc đẩy mạnh kết nối xây dựng các mô hình sản xuất sạch, an toàn của ngành chức năng, người nuôi trồng thủy sản cần chủ động tuân thủ đúng quy định về Luật Thủy sản, đảm bảo cam kết về mặt chất lượng sản phẩm trước khi đưa sản phẩm tới người tiêu dùng.
Từ cuối năm 2018, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong chính sách biên mậu đối với nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, vẫn có doanh nghiệp, người dân chưa nắm rõ các quy định đang được Hải quan Trung Quốc áp dụng, nên tôm hùm của Việt Nam vẫn là mặt hàng ùn ứ tại cửa khẩu. Thực tế đòi hỏi cả người nuôi và xuất khẩu tôm hùm buộc phải thay đổi.