Giá thép xây dựng tiếp tục giảm do thị trường lớn nhất đang dư cung
Từ 27/5, nhiều DN thép xây dựng tiếp tục giảm giá sản phẩm thép - đây là lần thứ ba giảm liên tiếp trong vòng hơn nửa tháng.
Với thị trường miền Trung, thép VAS điều chỉnh giảm sâu nhất so với các hãng thép khác. Cụ thể, 2 sản phẩm của hãng gồm thép cuộn CB240 giảm 500 đồng, xuống mức 17.570 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.980 đồng/kg.
Còn các hãng khác, giá thép cuộn CB240 dao động ở mức 17.570 đồng/kg đến 18.270 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá từ 17.980 đồng/kg đến 18.570 đồng/kg.
Tại thị trường miền Nam, sau khi điều chỉnh giảm vào ngày 27/5, thép cuộn CB240 có giá từ 17.470 đồng/kg đến 18.010 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 dao động từ 17.470 đồng/kg đến 18.520 đồng/kg.
Tính từ đầu năm tới nay, giá thép xây dựng trong nước trải qua 10 lần điều chỉnh, trong đó 7 lần tăng và 3 lần giảm. Lần giảm gần đây nhất được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào đang trong xu hướng đi xuống.
Nhiều đại lý cho biết, xu hướng này một phần từ việc sản lượng thép Trung Quốc - cường quốc sản xuất thép của thế giới đang rất dồi dào và nước này trong tình trạng dư cung.
Theo S&P Global Commodity Insights, sản lượng gang hàng ngày của Trung Quốc trong thời gian từ ngày 1 - 20/5 lần đầu tiên tăng trưởng so với cùng kỳ kể từ tháng 5/2021, trong khi sản lượng thép thô hàng ngày cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) công bố hôm 26/5, sản lượng gang và thép thô hàng ngày lần lượt đạt 2,6 triệu tấn và 3,1 triệu tấn từ ngày 1 - 20/5, lần lượt tăng 2,3% và 2% so với mức trung bình trong tháng 4.
Sản lượng thép tăng tiếp tục tác động lên giá vào tháng 6 và làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu, do nhu cầu thép trong nước vẫn ảm đạm khi nền kinh tế chưa hoàn toàn mở cửa sau đại dịch.
Sản lượng gang của Trung Quốc trong 20 ngày đầu tháng 5 cao hơn 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi sản lượng thép thô vẫn thấp hơn 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 20/5, tồn kho thép thành phẩm tại các nhà máy thép và thị trường giao ngay do CISA giám sát đã tăng lên 32,06 triệu tấn, cao hơn 20,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tồn kho tăng phản ánh nhu cầu thép trong cả lĩnh vực xây dựng và sản xuất đang phục hồi chậm do dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Một mặt khác, theo Hiệp hội Thép Việt Nam giá phôi thép và nguyên liệu đầu vào trên các sàn giao dịch quốc tế xu hướng đi xuống là yếu tố trực tiếp tác động đến giá thép trong nước.
Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng 20 - 30% nhu cầu sản xuất, còn lại vẫn phụ thuộc nhập khẩu. Do đó, giá thép tại Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào giá nguyên liệu thế giới.