Điện thoại và linh kiện giữ ngôi “quán quân” xuất khẩu
Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam, nhất là trong giai đoạn đại dịch.
Tăng trưởng mạnh bất chấp dịch Covid-19
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện ước đạt trị giá 51 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, cả năm 2021, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%; sang EU (27 nước) đạt 7,89 tỷ USD, giảm 9,1%... so với năm trước.
Điện thoại và linh kiện- mặt hàng xuất khẩu chủ lực |
Samsung vẫn là tập đoàn sản xuất điện tử, điện thoại lớn nhất tại Việt Nam. Mặc dù trong năm 2021, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó có ngành điện tử nhưng hoạt động của ngành sản xuất điện tử, điện thoại của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định. Điều này đã đưa kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng. Cụ thể, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020.
Hiện nay, Samsung đang xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại Hà Nội, với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn. Trung tâm R&D mới dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022 và sẽ tập trung nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới của thế giới như AI, Big Data, IoT...
Bộ Công Thương nhìn nhận, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp nhưng mảng điện thoại và linh kiện trong năm qua tiếp tục thể hiện là điểm sáng nhất trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hoạt động sản xuất kinh doanh ngành điện tử nhìn chung duy trì được tốc độ ổn định và tăng trưởng khá trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử tiêu dùng như ti vi, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, điện thoại di động. “Việt Nam nằm trong số các thị trường xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới (đứng thứ 6, sau Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc), trong đó chiếm tỷ lệ lớn là sản phẩm điện thoại di động xuất khẩu của Samsung”- Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tiếp tục khai thác tốt các thị trường xuất khẩu tiềm năng
Đánh giá về xuất khẩu điện thoại và linh kiện, TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2022, xuất khẩu nói chung và xuất khẩu điện thoại và linh kiện sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi kinh tế thế giới phục hồi. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng của GDP thế giới, ước tính nếu GDP thế giới tăng 1% thì xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 5%. Do vậy nếu GDP các nền kinh tế lớn tăng trưởng trung bình 4% trong năm sau thì xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể dễ dàng đạt được khoảng 16-20%.
Về mục tiêu năm 2022, Bộ Công Thương cho rằng, đối với ngành điện tử trong đó có xuất khẩu điện thoại và linh kiện cần thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định FTAs mang lại; thực hiện hiệu quả phòng vệ thương mại và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới. Bên canh đó, tiếp tục hỗ trợ hoạt động lắp ráp của Samsung tại Việt Nam; phối hợp với Samsung xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Bộ Công Thương chỉ ra, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử đến trên 100 thị trường trên thế giới. “Xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường EU gồm Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Phần Lan...”- Bộ Công Thương cho biết.
Đáng chú ý, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh các nước thành viên khác có tiềm năng của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia. Đặc biệt, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ…
Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu điện thoại và linh kiện Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng tốt. Đây là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử và đem lại nhiều đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022.
Lan Anh