A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Nở rộ” hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm

Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao nên hàng giả, hàng nhái được dịp “nở rộ” trên thị trường.

 

“Nở rộ” hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm

Gia tăng nhu yếu phẩm dịp cuối năm

Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị hàng đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. Nhiều doanh nghiệp dự báo sức mua có thể tăng từ 20 - 30% vào dịp cuối năm và đầu năm sau nên đã ra mắt nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng ngay từ bây giờ, nhiều loại hàng hóa phục vụ Tết đã sẵn sàng trên các kệ hàng ở hầu hết các siêu thị. Vì thế người tiêu dùng có nhiều thời gian lựa chọn sắm Tết cho gia đình mình hơn. Mua ít nhưng chất lượng đó là tâm lý chung của người tiêu dùng trong năm nay.

Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua sản phẩm nhập ngoại ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc cần phải có những lựa chọn thông minh thận trọng. Theo số liệu của Bộ Công Thương, sức mua tại các hệ thống siêu thị ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã tăng từ 25% - 30% so với ngày thường.

Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng rất mạnh so với năm ngoái, cho thấy nhu cầu hàng hóa tăng, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân gần như phục hồi hoàn toàn.

“Nở rộ” hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm - Ảnh 1.

Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.

Thủ đoạn sản xuất bánh gạo giả mạo xuất xứ nước ngoài

Lựa chọn thông minh, thận trọng khi mua hàng là lời cảnh báo cần thiết. Ví dụ như loại bánh gạo đang được bán rất chạy trên trường hiện nay được quảng cáo, giới thiệu, thậm chí nhãn mác là được sản xuất từ Hong Kong, Trung Quốc nhưng thực tế lại ra lò từ một một nhà xưởng chật chội, nhếch nhác ở gần vùng ngoại thành Hà Nội.

Nhà xưởng cửa đóng then cài suốt ngày chỉ trừ lúc xuất hàng đi bán. Với tốc độ của dây chuyền đóng gói tự động chỉ sau vài giây hàng loạt chiếc bánh trôi nổi, không rõ xuất xứ ở đâu đã được bao gói với nhãn mác nước ngoài hoàn chỉnh.

"Ăn theo tiếng, chủ trả 200.000 đồng một ngày 8 tiếng. Làm tiếng nào ăn tiền tiếng đấy", bà Nguyễn Thị Xuân - Nhân viên đóng gói bánh gạo nói.

“Nở rộ” hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm - Ảnh 2.

Để triệt phá được cơ sở sản xuất bánh gạo giả mạo xuất xứ nước ngoài lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.

Nhanh gọn, thuần thục... được che giấu một cách tinh vi nên để triệt phá được cơ sở trên lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Toàn bộ máy móc cùng số bánh gạo vi phạm là tang vật cũng bị tịch thu để tiếp tục điều tra làm rõ.

Ông Vũ Văn Hùng - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Qua đấu tranh chủ cơ sở cho biết chủ yếu bán qua zalo, facebook".

Mặc dù sản xuất bánh kẹo, nhưng tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép sản xuất, kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ những cơ sở, cá nhân đã và đang tiêu thụ bánh gạo do cơ sở này sản xuất để xử lý theo quy định.

Các nhãn hàng chủ động chống hàng giả hàng nhái

Việc phân biệt thật - giả khi có kết luận của lực lượng quản lý thị trường đã rõ nhưng với hàng ngàn, hàng vạn mặt hàng được giả mạo tinh vi đang được bán công khai cả trên mạng lẫn các siêu thị, hàng quán thì làm sao có thể ngăn chặn được? Một số giải pháp riêng đã được các doanh nghiệp, chủ nhãn hàng đưa ra để để vừa bảo vệ thương hiệu của mình, vừa giúp người tiêu dùng nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái.

Thời điểm cuối năm, bánh kẹo là một trong những mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất, từ hình thức đến nội dung với mức độ tinh vi lên đến 90%. Để phân biệt với hàng nhái, các nhãn hàng luôn có mã vạch, số lô sản xuất trên từng sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng khi mua cũng cần chú ý đến những chi tiết trên sản phẩm.

Bà Hồ Thị Cẩm Linh - Giám đốc Công ty TNHH XNK Kim Linh, Hà Nội cho biết: "Bạn phải nhìn rõ thương hiệu mình cần mua là thương hiệu gì. Thứ hai là phải nhìn xuất xứ hàng hóa. Thứ ba, hàng nhập khẩu phải xem được tem mác nhập khẩu thì sẽ phân biệt được hàng thật hay hàng rởm".

“Nở rộ” hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm - Ảnh 3.

Lê Hàn Quốc là loại quả bị giả mạo xuất xứ nhiều nhất.

Còn với những loại hoa quả nhập khẩu từ Hàn Quốc, thời gian gần đây rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là quả lê bởi chất lượng ổn định, giá cả hợp lý. Chính vì lẽ đó, đây cũng là loại quả bị giả mạo xuất xứ nhiều nhất.

Để tránh cho nông sản của mình bị làm giả, làm nhái thương hiệu thì từ phía Hàn Quốc đã dán lên từng quả lê nhưng chiếc tem không thể làm giả. Từ chiếc tem này người dùng có thể truy xuất được vùng trồng, chi tiết loại quả cũng như chất lượng xuất khẩu.

Ông Hoonki Shim - Chuyên gia, Hiệp hội Xuất khẩu Lê Hàn Quốc cho biết: "Tem hologram là tem do Tập đoàn sản xuất tiền Hàn Quốc sản xuất và được phát triển bằng công nghệ đặc biệt không thể làm giả được. Đối với lê Hàn Quốc, khu vực trồng trọt, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và đặc điểm của lê Hàn Quốc luôn được giải thích, nhưng lê bị làm giả sẽ không có bất kỳ mô tả nào về thông tin như vậy trên tem. Ngoài ra, hãy kiểm tra tem ở trên hộp bởi lê Hàn Quốc chính ngạch sẽ có tem của K-PEAR - một thương hiệu chung của lê Hàn Quốc, có dán mã QR và ID lịch sử sản xuất".

Theo thống kê, lượng lê Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam bình quân 10 năm qua là hơn 3.100 tấn/năm. Riêng năm 2021, xuất khẩu lê đã tăng khoảng 300% về lượng.

Mặc dù rất nhiều biện pháp đã được nhà sản xuất đưa ra để phòng chống hàng giả hàng nhái nhưng người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khi mua sắm bằng cách tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, mua ở những địa chỉ có uy tín, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội