A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MTA Vietnam 2025: Hành trình số hóa sản xuất và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngày 2/7, Triển lãm Quốc tế lần thứ 21 về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo (MTA Vietnam 2025) chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quy tụ 429 doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, đo lường và công nghiệp hỗ trợ trong nước và quốc tế.

 

cat-bang-khai-mac.jpg

Cắt bang khai mạc triển lãm

Được tổ chức thường niên, MTA Vietnam ngày càng khẳng định vai trò là nền tảng chiến lược kết nối công nghệ, chuyên gia và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sản xuất xanh, phát triển công nghiệp hỗ trợ và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Diễn đàn kết nối trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của triển lãm trong bối cảnh ngành công nghiệp toàn cầu đang đứng trước nhiều cơ hội chuyển mình mạnh mẽ: từ chuyển đổi số, tự động hóa, phát triển chuỗi cung ứng đến sản xuất bền vững. “Những sự kiện chuyên ngành như MTA Vietnam đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và xu hướng công nghệ toàn cầu”, bà Kim Ngọc nói.

Trong khuôn khổ triển lãm, Sở Công Thương phối hợp cùng các đơn vị tổ chức Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2025, quy tụ 20 doanh nghiệp FDI đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác nội địa. Đây được xem là hoạt động trọng tâm nhằm mở rộng mạng lưới kết nối, thúc đẩy nội địa hóa sản xuất và tạo cơ hội hợp tác thực chất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

mr.-ben-wong.jpg

Ông Beng Wong, Tổng Giám đốc Informa Markets Việt Nam

Ông Beng Wong, Tổng Giám đốc Informa Markets Việt Nam – đơn vị tổ chức triển lãm nhận định: “Ngành sản xuất Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình lịch sử với các trụ cột gồm chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, nội địa hóa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. MTA Vietnam là nền tảng chiến lược giúp doanh nghiệp tiếp cận tri thức, công nghệ và đối tác mới”.

Đáng chú ý, MTA Vietnam 2025 lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quốc tế về công nghiệp bán dẫn, quy tụ các chuyên gia đầu ngành và nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế. Hội nghị nhằm phân tích vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu – một trong những ngành then chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. "Đây là thời điểm vàng để Việt Nam định vị năng lực trong ngành bán dẫn", ông Beng Wong nhận định.

Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đầu tư

Theo ông Mitsutoshi Okabe, Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ 3 về giá trị và đứng thứ 2 về số lượng dự án tại Việt Nam. "Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút mạnh mẽ với các công ty Nhật Bản", ông cho biết.

Khảo sát thường niên của JETRO cho thấy, có đến 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động trong 1–2 năm tới – tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN. Đặc biệt, từ năm 2019–2024, có đến 90 trường hợp doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chiếm 51% tổng số lượt chuyển trong ASEAN.

Để đồng hành cùng xu hướng này, JETRO đã tổ chức gian hàng quốc gia Nhật Bản tại MTA Vietnam lần đầu tiên sau 6 năm, giới thiệu 16 doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực như gia công kim loại, thiết bị cắt, phần mềm công nghiệp...

ong-nguyen-quan.jpg

Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA), nhận định: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa sản xuất đang bước vào thời kỳ chuyển đổi sâu rộng nhờ AI, công nghệ số và tự động hoá, Việt Nam nổi lên như một điểm đến chiến lược nhờ năng lực sản xuất cạnh tranh, chuỗi cung ứng linh hoạt và môi trường đầu tư thuận lợi”.

Theo Cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2025 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái – mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, ngành chế biến – chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 10,1%, tiếp tục là trụ cột của toàn ngành công nghiệp.

Để duy trì đà tăng trưởng bền vững, ông Quân nhấn mạnh: "doanh nghiệp Việt cần đầu tư mạnh vào công nghệ, tối ưu hóa vận hành và mở rộng kết nối quốc tế. MTA Vietnam chính là cầu nối quan trọng hỗ trợ quá trình này, giúp doanh nghiệp tiếp cận giải pháp công nghệ tiên tiến, xu hướng sản xuất hiện đại và định hướng đổi mới toàn diện".

doan-tham-quan-trien-lam.jpg

Các gian hàng tại triển lãm MTA Vietnam 2025

Không chỉ là nơi trưng bày công nghệ, MTA Vietnam 2025 còn là không gian kết nối chuyên sâu, kiến tạo giá trị dài hạn cho cộng đồng sản xuất. Một trong những điểm nhấn của sự kiện là chương trình Business Matching, giúp tăng hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp trưng bày và khách tham quan chuyên ngành, từ đó mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng.

Trải qua hơn hai thập kỷ tổ chức, MTA Vietnam đã phát triển thành diễn đàn giao thương uy tín hàng đầu trong ngành cơ khí – chế tạo tại Việt Nam. Đây không chỉ là nơi gặp gỡ giữa công nghệ và thị trường, mà còn là bàn đạp để doanh nghiệp Việt tiếp cận đổi mới, chuyển mình trong thời kỳ sản xuất thông minh, công nghiệp điện tử và bán dẫn đang mở ra nhiều cơ hội chiến lược.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội