A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018: Cải thiện năng suất lao động - Cơ hội và thách thức

Tại Hội thảo chuyên đề “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa” diễn ra sáng 11/1 tại Hà Nội, các đại biểu đã tập trung thảo luận và chỉ ra các cơ hội và thách thức của Việt Nam để cải thiện năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp trong bối cảnh công nghiệp hóa thời đại mới.

Năng suất lao động của Việt Nam ở mức rất thấp

Hội thảo chuyên đề “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa” một trong những sự kiện lớn nằm trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức cùng với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGAS), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Bia Sài Gòn), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Văn phòng  đại diện Dragon Capital Management (HK) Ltd. Tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPOWER), Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty TNHH MTV My Health và Công ty TNHH GE Việt Nam. Trong 2 phiên của hội thảo này, các đại biểu đã chỉ ra tầm quan trọng của việc cải cách năng suất và đề xuất một số giải pháp để tăng năng suất lao động ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia và đặc biệt chỉ tương đương với 87,4% của Lào. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp thiết thực để tăng năng suất lao động có tác dụng quyết định đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Nhận định về tình hình năng suất lao động Việt Nam, GS.Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng) cho rằng, với một nước còn ở mức trung bình thấp như Việt Nam, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất, dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều đặc trưng đáng lo ngại. Lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn trong khi lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ rất lớn 49,5% năm 2010 và 41,6% năm 2016.

Đặc biệt, GS. Trần Văn Thọ nhấn mạnh: “Công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp. Nếu lao động chỉ dịch chuyển từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cũng thấp thì sự dịch chuyển này không mang lại thay đổi gì”.

Tại Diễn đàn, GS. Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản) thẳng thắn cho rằng sự tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ là do số lượng (nguồn vốn và lao động) chứ không phải là chất lượng (năng suất): “Tình trạng nâng cao năng suất của Việt Nam rất ảm đạm, năng suất thể hiện rõ sự thâm hụt vốn. Tăng trưởng chậm lại do năng suất lao động giảm đi”.

Đánh giá từ hội thảo, nhìn chung mô hình tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới, việc tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt, năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp.

Cải thiện năng suất lao động: Cơ hội và thách thức

Thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững. Năng suất lao động của Việt Nam ở mức rất thấp nhưng vẫn có nhiều tiềm năng. Việc cải thiện năng suất lao động là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo kịp dòng chảy kinh tế thế giới vừa là thách thức lớn đối với thực trạng nền kinh tế của Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, thông qua hội thảo các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp cho việc cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam.

Ông Ngô Văn Tuấn cho biết thêm: “Nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn với Việt Nam. Trên thực tế Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng nội ngành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh nỗ lực phát huy sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra giải pháp, các chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ vươt bậc”.

GS. Trần Văn Thọ cũng cho rằng, với lực lượng lao động hiện tại, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể làm cho năng suất lao động tăng nhanh. Việt Nam có thể phát triển tốc độ cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu có chiến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau.

GS. Kenichi Ohno gợi ý: “Chất lượng chính sách cần phải được cải thiện cả về tư duy và khả năng nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ Việt Nam cần thực hiện nhiều dự án nâng cao năng suất hơn nữa…” .

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, để cải thiện năng suất lao động, Việt Nam cần có sự đột phá cải cách về tư duy ngoài những đột phá khác như cơ sở hạ tầng, thể chế, giáo dục. Trong đó, việc tận dụng cách mạng khoa học 4.0 là cơ hội lớn cho việc thúc đẩy tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo từ chính chiến lược phát triển công nghệ và khoa học công nghệ.

Phạm Vân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội