A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị quyết 128/NQ-CP: “Chìa khóa” quyết định để phục hồi kinh tế

Chiều ngày 5/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định”.

Buổi tọa đàm dự kiến sẽ có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế và một số chuyên gia.

Quyết sách mạnh bạo, hiệu quả xuất phát từ thực tiễn

Ngày 11/10/2021, ngay sau khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/2021/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, Nghị quyết 128 đã được Chính phủ ban hành đúng thời điểm, có lộ trình là quyết sách mạnh bạo nhất và hiệu quả của Chính phủ, với quan điểm coi ổn định vĩ mô là yếu tố "bất biến" trong hoàn cảnh "vạn biến" khi các áp lực trong nước, quốc tế nhiều và phức tạp hơn.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 128 đã nhanh chóng khơi thông luồng thương mại, sản xuất, kinh doanh, luồng vốn đầu tư (nhất là FDI), tạo cú hích giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét, nhất là ở những địa phương, lĩnh vực chịu tác động nặng nề từ việc thực hiện giãn cách xã hội.

Nghị quyết 128/NQ-CP: “Chìa khóa” quyết định để phục hồi kinh tế
Nghị quyết 128 đã khơi thông luồng thương mại. Ảnh Cấn Dũng

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng: Sau 1 năm nhìn lại, Nghị quyết 128 còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Từ chống dịch bằng các biện pháp hành chính, trong đó có những biện pháp mạnh theo Chỉ thị 15, 16, 19 khi chưa đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chúng ta đã chuyển hướng sang chống dịch một cách khoa học theo Nghị quyết 128 khi nước ta đã có đầy đủ cơ sở, điều kiện, nhất là về vaccine, độ phủ vaccine. Điều này đã chứng minh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 theo kết luận của Trung ương là hết sức đúng đắn, kịp thời, phù hợp và Nghị quyết đóng vai trò quyết định với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống người dân.

Thực tế chứng minh, từ đòi hỏi của thực tiễn, Nghị quyết 128 được ban hành rất phù hợp với bối cảnh và hoàn cảnh của đất nước. Do đó, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy vai trò như "chìa khóa" để hóa giải khó khăn, thách thức, góp phần quan trọng thực hiện thành công "đa mục tiêu", vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Giá trị cốt lõi của Nghị quyết 128 chính là sự linh hoạt trong phòng chống dịch và trong phát triển kinh tế, không coi nhẹ mặt nào. Một mặt, thích ứng an toàn, linh hoạt gắn liền với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; mặt khác, kiểm soát tốt dịch bệnh để tạo tiền đề cho khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn lực để kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh, các quyết sách được đề ra tại Nghị quyết 128 đã góp phần làm dịch bệnh được kiểm soát ngày càng vững chắc hơn, kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sau quá trình phục hồi đã duy trì được tốc độ tăng trưởng như thời điểm chưa phát sinh dịch bệnh, thậm chí còn tăng trưởng với tốc độ cao hơn.

Nghị quyết đã kịp thời “cởi trói” cho nền kinh tế

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá Nghị quyết 128 được ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, sau khi ban hành, Nghị quyết 128 đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân và Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức tổ chức thực hiện mới trong phòng chống dịch Covid-19. Nghị quyết đã thể hiện sự điều chỉnh với yêu cầu cấp bách là cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn nhận về Nghị quyết 128, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết 128 là quyết định phù hợp của Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19, đồng thời hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Việt Nam không phải là một quốc gia ngoại lệ khi vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vừa mở cửa nền kinh tế, mà hầu như tất cả các nước cũng đều áp dụng chính sách tương tự như vậy.

Chẳng hạn như ở Mỹ, lúc đầu Chính phủ Mỹ cũng chủ trương thắt chặt nền kinh tế, thực hiện phong tỏa các đường phố giống như ở Việt Nam. Nhưng khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 được mở rộng trong dân chúng ở mức độ nhất định thì việc mở cửa nền kinh tế đã được thực hiện. Và ở Việt Nam cũng vậy. Nghị quyết 128 đã ban hành ở thời điểm tháng 10/2021 là rất phù hợp, vừa cởi trói được nền kinh tế, vừa bảo đảm được an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Nghị quyết 128/NQ-CP: “Chìa khóa” quyết định để phục hồi kinh tế
Nghị quyết 128 là "chìa khóa" để nền kinh tế được phục hồi. Ảnh Cấn Dũng

Và từ đó cho đến nay, Nghị quyết 128 đã phát huy được tính hiệu quả cho nền kinh tế. Cụ thể là từ cuối năm 2021, nền kinh tế bắt đầu được cởi mở hơn, các thành phần kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh, các thị trường (như thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản, xuất nhập khẩu và ngay cả thị trường tiền tệ) cũng đã được mở cửa trở lại để đi vào một giai đoạn mới là giai đoạn phục hồi.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nền kinh tế của chúng ta đã đi vào giai đoạn phục hồi thực sự. GDP 6 tháng đầu năm lên đến 6,42%. Con số này chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta phục hồi rất mạnh và vượt hơn rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, chúng ta kiểm soát được tình hình lạm phát.

Việc ban hành Nghị quyết 128 được cho là thành công của Chính phủ, đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, khi giữ ổn định được nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đạt được nhiều chỉ tiêu tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm 2022. Mặc dù vậy, nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu. Chúng ta không thể quá lạc quan khi tình hình trên thế giới đang diễn biến khó lường, với khả năng kinh tế Mỹ và nhiều nền kinh tế khác đi vào suy thoái, hay ít nhất cũng "hạ cánh mềm" bắt đầu từ đầu năm 2023, trong khi lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước.

Nhìn nhận dưới góc độ nếu Chính phủ không linh hoạt, kịp thời ban hành Nghị quyết 128, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thì nền kinh tế trong vòng từ 3 đến 6 tháng sau thời điểm tháng 10/2021, sẽ đi vào sự kiệt quệ. Chúng ta đã nhìn thấy hiện tượng rất nhiều khu công nghiệp đã bị đóng cửa, nhiều người lao động bỏ về quê, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang có kế hoạch rút một phần vốn khỏi Việt Nam... Chính vì thế, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 này để bắt đầu “cởi trói” nền kinh tế từng phần một cách cẩn thận là hợp lý và hợp thời điểm.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội